Dự kiến, chi phí trùng tu là hơn 39 tỷ đồng.

Hải vân quan
Di tích Hải Vân Quan. (Ảnh: Lê Hòa)

Ngày 17/9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn Hoá và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

Tại buổi Hội thảo, đại diện Phân viện Khoa học Công nghệ miền Trung trình đưa ra 2 phương án bảo tồn, phục hồi:

Phương án 1: Phục hồi toàn bộ các công trình phía trong ranh giới vùng I bảo vệ di tích, một đoạn tuyến đường Thiên Lý đi về phía Huế và đường dốc đi về phía Đà Nẵng vào thời kỳ nhà Nguyễn. Các công trình nằm giữa ranh giới vùng bảo vệ I và II của di tích sẽ được bảo tồn.

Phương án 2: Sẽ bảo tồn nguyên trạng toàn bộ các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975.

Trong hai phương án, hầu hết các ý kiến góp ý tại Hội thảo đều đồng ý theo phương án 1.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần tiến hành cải tạo không gian mặt bằng xung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này. Cụ thể:

  • Thiết kế tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân Quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt.
  • Tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc hai cổng Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan cũng như các công trình bên trong di tích.
  • Phục hồi lại hệ thống tường thành, ụ súng thần công, bậc cấp, đường đi qua hai cổng.
  • Nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố làm nơi đón tiếp tham quan và thiết kế trưng bày bảo tàng giới thiệu lịch sử hình thành và biến đổi của di tích.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đăng – Trưởng khoa lịch sử trường Đại học Khoa học Huế cho rằng phương án tu bổ Hải Vân Quan theo kiến trúc ban đầu của triều Nguyễn là hợp lý nhất.

Ông Đăng cho rằng quá trình trùng tu Hải Vân Quan cần nhấn mạnh đến mô hình con đường thiên lý Bắc Nam qua Hải Vân Quan; vị thế quân sự của Hải Vân Quan qua các thời kỳ,…

Dự kiến, kinh phí trùng tu theo phương án 1 là hơn 39 tỷ đồng.

Minh Long

Xem thêm: