Để ứng phó với siêu bão Noru, giới chức các tỉnh từ Quảng Bình – Bình Thuận sẽ có phương án sơ tán 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh từ Thừa Thiên Huế – Quảng Ngãi (khu vực trọng tâm dự kiến bão đổ bộ) sơ tán 93.312 hộ/368.878 người.

bao noru
Vị trí và đường đi của siêu bão Noru. (Ảnh: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13h ngày 25/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Đây là một siêu bão rất nguy hiểm bởi cấp gió rất lớn; lớn hơn bão Sangsane vào Đà Nẵng năm 2006 và lớn hơn bão Damrey (bão số 12 năm 2017 vào Nha Trang).

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 13h ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Tại buổi họp ứng phó với siêu bão Noru hôm 25/9, ông Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết đến trưa 25/9 đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 57.800 tàu/300.000 lao động.

Trong đó, hoạt động trong khu vực bắc Biển Đông, giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là 739 tàu/7.455 người.

Hiện còn 127 tàu (nhiều nhất là Bình Định 100 tàu) đang ở trong vùng nguy hiểm, trong 24 giờ tới cần phải kêu gọi vào bờ.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần Biển Đông.

Các tỉnh từ Quảng Bình – Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế – Quảng Ngãi sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu thiên tai, nhận định cấp bão khi vào biển Đông và tiếp cận gần bờ là cấp 15-16, giật trên cấp 17. Thời gian bão đổ bộ vào đất liền là đêm 27/9, rạng sáng ngày 28/9.

Địa điểm đổ bộ của tâm bão có lệch về phía Nam, dự kiến bão vào khu vực Quảng Ngãi, Quảng Nam và có thể tiếp tục được dự báo lệch Nam trong những giờ tới.

Do bán kính bão rất lớn và cường độ bão rất mạnh nên các tỉnh từ Quảng Bình tới Nha Trang thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão. Vùng có gió bão rất mạnh dự kiến từ Huế tới Phú Yên.

TS Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo:

  • Người dân ven biển các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tới Phú Yên, một phần phía bắc tỉnh Khánh Hòa phải khẩn cấp tìm nơi tránh trú an toàn (các nhà bê tông kiên cố, ở vùng không ngập lụt). Người dân nên sơ tán tại chỗ, sang nhà hàng xóm hoặc nhà kiên cố gần nhất, với nhà ngói và nhà lợp tôn sẽ có nguy cơ bị tốc mái, tường gạch yếu sẽ bị đổ khi tâm bão đi qua;
  • Tích trữ nhu yếu phẩm ít nhất cho 5 ngày;
  • Sạc đầy điện thoại và tiết kiệm khi sử dụng vì bão có thể gây mất điện;
  • Khẩn trương đưa tàu thuyền vào bờ và tìm nơi neo đậu an toàn. Bão này mà neo đậu không tốt thì nó có thể bốc cả thuyền lên bờ;
  • Hạ biển quảng cáo ngoài trời, gia cố giàn giáo bê tông ở các công trình đang xây dựng;
  • Hạ mực nước ở các hồ chứa nước;
  • Gia cố lồng bè nuôi cá trên biển và tuyệt đối không ở lại lồng bè, tàu thuyền;
  • Cắt tỉa cành cây, gia cố nhà cửa, chèn mái tôn bằng bao cát;
  • Tuyệt đối không ra ngoài đường trong khoảng thời gian từ 15h chiều ngày 27/9 đến 15h ngày 28/9 ở vùng có bão đi qua;
  • Các tài xế xe tải, những người có kế hoạch di chuyển bằng đường bộ qua khu vực có bão cần cân nhắc ở lại các khu vực giáp ranh với tâm bão. Phía Bắc là Quảng Trị và phía Nam là Ninh Thuận.

Minh Long