Năm ngày sau yêu cầu “tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022” của UBND TP Hà Nội, giới chức huyện Mỹ Đức (Hà Nội) công bố dừng tổ chức lễ hội chùa Hương. Thành phố hiện đang ghi nhận tổng cộng 670 ca nặng và nguy kịch, tăng 3,5% so với trung bình một tuần trước. 

tiem vac xin myduc hanoi
Một điểm tiêm vắc-xin COVID-19 tại Trạm y tế thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, tháng 10/2021. (Ảnh minh họa: hongson.myduc.hanoi.gov.vn)

Ngày 25/1, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết sẽ tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) năm 2022 cho đến khi có thông báo mới. Giới chức huyện này cho biết hiện mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, nhưng tạm dừng tổ chức hội theo Chỉ thị 03 của UBND TP Hà Nội.

Chỉ thị 03 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội – ông Chu Ngọc Anh ký ban ngày ngày 20/1, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết”, “tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tp trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao”. 

Giới chức các địa phương tại Hà Nội được yêu cầu chủ động phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh ở cấp độ cao, nhất là trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022. 

Hà Nội tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca mắc COVID-19 mới; ngày 25/1 ghi nhận thêm 2.956 ca, nâng tổng số ca COVID-19 toàn thành phố lên 114.586. Cùng ngày, Bộ Y tế công bố Hà Nội ghi nhận 18 ca tử vong, con số tử vong cao nhất tại TP này tính theo ngày kể từ đầu dịch đến nay. Tổng số ca tử vong cộng dồn tại TP tính tới cuối ngày 25/1 là 378 người (cao thứ 11 trên cả nước).

Số ca mắc COVID-19 (F0) diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tiếp tục tăng cao. Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết đến ngày 24/1, Hà Nội có 670 ca nặng và nguy kịch, tăng 3,5% so với trung bình một tuần trước.

Trong số các ca nặng, nguy kịch, số bệnh nhân thở oxy qua gọng kính 544 ca, giảm 1,5%. Các bệnh nhân thở máy đều tăng, gồm 33 bệnh nhân thở máy dòng cao (HFNC), tăng 25,5%; 25 bệnh nhân thở máy không xâm lấn, tăng 27,7% và 58 bệnh nhân thở máy xâm lấn, tăng 21,6%. Ngoài ra, 10 bệnh nhân lọc máu, không có ca chạy ECMO.

Đến ngày 24/1, toàn thành phố đang điều trị hơn 68.500 F0; trong đó, cơ sở thu dung điều trị thành phố điều trị 822 ca, cơ sở thu dung quận, huyện 5.049 ca; gần 59.000 F0 điều trị tại nhà.

Hà Nội đã đưa vào tiêm gần 14,5 triệu mũi vắc-xin COVID-19 trong cộng đồng. Các đợt tiêm mũi 3 đang tiếp tục được thúc đẩy, với 239.351 người đã tiêm mũi bổ sung và hơn 2,1 triệu người tiêm mũi nhắc lại. Hà Nội hiện ghi nhận 14 ca nhiễm biến thể Omicron trong tổng số 163 ca phát hiện trên cả nước, theo Bộ Y tế.

Thái Bình dừng lễ hội đền Trần

Ngày 16/1, UBND tỉnh Thái Bình quyết định dừng tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động phần hội của lễ hội đền Trần năm 2022 (tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà); dừng tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022 (diễn ra vào ngày 21/3 hằng năm).

Giới chức tỉnh Thái Bình giao UBND huyện Hưng Hà đề xuất việc thực hiện các nghi lễ truyền thống của lễ hội đền Trần ở quy mô phù hợp, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, phòng dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và hướng dẫn của ngành y tế.

Đây là năm thứ hai tỉnh Thái Bình buộc phải tạm dừng tổ chức lễ hội đền Trần và Ngày hội Văn hóa – thể thao và du lịch để hạn chế mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại Thanh Hóa, UBND huyện Hà Trung cũng công bố tiếp tục dừng hoạt động khai ấn, phát ấn tại Đền Trần (tại xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) trong bối cảnh dịch COVID-19 kể từ năm 2020, theo Truyền hình tỉnh Thanh Hóa ngày 21/1.

Ban Quản lý di tích công bố chỉ tổ chức các nghi thức truyền thống, lễ dâng hương nội bộ vào ngày 14 và 15 tháng Giêng âm lịch, không có sự tham gia của người dân và du khách.

Nguyễn Quân

Xem thêm: