Trước đề xuất các phương tiện có thể đi vào làn đường BRT trong một số khung giờ để tránh ùn tắc, Sở GTVT khẳng định đến thời điểm hiện tại không cho phép bất kỳ phương tiện nào được đi vào tuyến buýt này.

tuyến buýt nhanh BRT
BRT Hà Nội (Ảnh: Facebook BRT Hanoi)

Chiều ngày 6/3, tại buổi giao ban báo chí thường kỳ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội có báo cáo về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Mậu Tuất và hướng hoạt động trong năm 2018.

Tại buổi họp, phó giám đốc Sở GTVT Ngô Mạnh Tuấn cho biết đến thời điểm hiện tại, các phương tiện khác không được đi vào làn đường của buýt nhanh BRT Kim Mã – Yên Nghĩa.

Ngoài ra, liên quan đến việc mở tuyến BRT số 2 Kim Mã – Láng – Hoà Lạc, ông Tuấn cho hay thành phố đã có hướng triển khai và thời gian qua các đơn vị liên quan đã khảo sát. Tuy nhiên, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao – Láng – Hoà Lạc) cũng đang thực hiện nên việc mở tuyến BRT bị trùng. Trước mắt, thành phố mở tuyến buýt thường từ Kim Mã lên khu công nghệ cao Hoà Lạc và làng văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Trước đó, trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị thuộc Sở GTVT Hà Nội đề xuất trong một số khung giờ, các phương tiện khác được phép sử dụng chung làn đường buýt nhanh BRT.

Cụ thể, các tuyến buýt thường được đi vào làn đường dành riêng cho BRT từ 4h đến 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h hôm sau.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị, làn BRT vắng vẻ vào ban đêm nên vẫn có nhiều phương tiện đi vào và bị phạt. Do đó, trung tâm đề xuất cho phép các phương tiện đi vào làn BRT ban đêm.

Giữa tháng 2/2017, phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) bắt đầu xử phạt các loại phương tiện đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT. Theo đó, người điều khiển ô tô bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng; người điều khiển xe máy (xe máy điện) chịu mức phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Dự án BRT Kim Mã – Yên Nghĩa được TP. Hà Nội đưa vào hoạt động từ ngày 1/1/2017 với mức đầu tư 53,6 triệu USD, chiều dài 14,7 km, với 21 nhà chờ (12 nhà chờ 4m và 9 nhà chờ 5m), 01 trạm chung chuyển bến xe Kim Mã, 01 trạm đầu cuối Yên Nghĩa, 04 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 01 trạm sửa chữa, bảo dưỡng trong bến xe Yên Nghĩa.

Tuy nhiên, việc vận hành BRT đã cho thấy còn nhiều bất cập. Tuyến đi qua nhiều khu cao ốc văn phòng, chung cư. Đây là tuyến đường không có nhiều đối tượng phù hợp để sử dụng xe buýt. Hơn nữa, việc các nhà chờ được thiết kế giữa đường cũng gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận loại phương tiện này.

Với mật độ giao thông dày đặc tại Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, trong khi lòng đường chật hẹp, việc dành riêng một làn cho xe buýt BRT khiến giao thông tại những tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm. Khi đó, bất chấp luật giao thông, nhiều xe máy và ô tô đành “cực chẳng đã” phải đi vào làn đường cho BRT. Vì vậy, tuyến BRT là một trong những dự án giao thông đáng thất vọng của TP. Hà Nội trong năm 2017.

Minh Long

Xem thêm: