Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2023 mở cửa trở lại sau 3 năm phải tạm dừng do COVID-19. Được hỏi về số lượng ấn sẽ phát tại lễ hội, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban quản lý di tích đền Trần, nói “việc tâm linh không thể tiết lộ”.

khai ấn đền trần
Lễ hội khai ấn đền Trần. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Ngày 5/1, giới chức TP. Nam Định tổ chức buổi họp báo về kế hoạch tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần 2023 (phường Lộc Vượng).

Theo Ban tổ chức, lễ hội Đền Trần 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-6/2/2023 (tức ngày 11-16 tháng Giêng năm Quý Mão).

Lễ hội có nhiều hoạt động như: ngày 1/2/2023 (tức ngày 11 tháng Giêng) sẽ diễn ra Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh sang Đền Trần; ngày 2/2/2023 (tức 12 tháng Giêng) diễn ra Lễ rước Nước, tế Cá tại Đền Cố Trạch; ngày 4/2 (tức 14 tháng Giêng) sẽ diễn ra các hoạt động dâng hương, rước Kiệu từ Đền Cố Trạch về Đền Thiên Trường.

Từ 23h15 ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức khai ấn.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55 ngày 4/2/2023 cửa đền được mở để người dân và khách thập phương vào lễ. Từ 5h ngày 5/2 (tức rằm tháng Giêng năm Quý Mão), Ban tổ chức bắt đầu phát ấn.

Trong các ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn đền Trần, tại khu vực đền Trần diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm: Múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật…

Bà Nguyễn Thị Như, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Nam Định, cho biết lễ hội khai ấn đền Trần mở lại sau ba năm phải đóng cửa vì COVID-19, do đó dự kiến lượng du khách về với lễ hội lần này sẽ rất đông, thậm chí cao hơn cả những năm trước khi có dịch COVID-19.

Ban tổ chức bố trí 5 vòng an ninh từ ngoài cổng đến trong khuôn viên đền Trần; duy trì hoạt động 16 camera tại khu vực đền Thiên Trường – nơi diễn ra lễ khai ấn, rước kiệu ấn.

Đáng chú ý, khi được hỏi về số lượng ấn chuẩn bị để phát, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban quản lý di tích đền Trần, nói “việc tâm linh không thể tiết lộ” nhưng ban tổ chức “đảm bảo đủ nhu cầu cho khách thập phương”.

Lễ phát ấn tại đền Trần thành nơi kinh doanh “siêu lợi nhuận” cho tỉnh Nam Định?

Báo VTC hồi năm 2018 dẫn lời Thạc sĩ nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà viết kịch Chu Thơm, cho rằng về nguồn gốc, sự ra đời của Lễ Khai ấn đền Trần vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Theo ông Thơm, có tài liệu cho rằng: “Lễ Khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ.

Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên – Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại”.

Tuy nhiên, cũng có người khẳng định, Lễ Khai ấn đền Trần thực ra chỉ mang tính tín ngưỡng của một nhà đền, không liên quan đến nhà nước, đến các vua Trần, đến hành động của các quan chức thời nhà Trần.

Mặc dù còn nhiều điểm chưa thống nhất về nguồn gốc Lễ khai ấn đền Trần, ông Thơm cho hay nhiều người có chung nhận định, lễ hội này ngày nay bị biến tướng, đang bị đem ra kinh doanh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định từng công bố với báo chí nhà nước: “Hàng năm, Lễ hội Khai ấn mang về cho tỉnh khoảng 10 tỷ đồng”.

“Một lễ hội chỉ mở vào đêm 14 và kết thúc vào ngày 15 tháng Giêng mà đem lại số tiền đó thì có thể coi là “siêu lợi nhuận”, ai mà nỡ bỏ”, ông Thơm nhận định.


TS Nguyễn Xuân Diện (Viện nghiên cứu Hán Nôm) nói về lễ khai ấn tại đền Trần.

Minh Long