Không đồng thuận với ý kiến về quy hoạch bán đảo Sơn Trà tại cuộc họp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã từ chối ký vào biên bản làm việc.

ban dao son tra 4
Màu xanh của rừng đã biến mất khỏi phía Tây bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (Ảnh ghi nhận vào tháng 5/2017)

Chiều ngày 11/5, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có buổi làm việc tại TP. Đà Nẵng về quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Trước đó, Tổng cục Du lịch đã mời Hiệp hội du lịch Đà Nẵng ra Hà Nội làm việc nhưng Hiệp hội đã xin tổ chức tại Đà Nẵng và được chấp thuận.

Mặc dù cuộc gặp trong chiều ngày 11/5 là buổi làm việc công khai nhưng các phóng viên đến tác nghiệp đã bị Tổng cục Du lịch từ chối không cho tham dự.

Thông tin về cuộc họp, ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết Tổng cục Du lịch và Hiệp hội đã không tìm được “tiếng nói chung” về bản quy hoạch Sơn Trà do Thủ tướng phê duyệt.

Cụ thể, theo ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bản quy hoạch đã làm “đúng quy trình” khi được thực hiện từ năm 2013 và đến năm 2016 được Thủ tướng phê duyệt. Tổng cục cũng cho hay trước khi hoàn thiện và trình Thủ tướng bản quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Bộ VH-TT&DL đã lấy ý kiến của nhiều Bộ, ngành liên quan, theo đó, Tổng cục cho rằng không thể điều chỉnh quy hoạch.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Tấn Vinh, trước khi Tổng cục Du lịch trình bản quy hoạch Sơn Trà cho Thủ tướng phê duyệt đã không lấy ý kiến rộng rãi, ngay cả Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cũng chưa được lấy ý kiến, nên ông Vinh cho rằng như vậy là không đúng quy trình.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà là khu vực hết sức nhạy cảm về đa dạng sinh học nhưng đánh giá tác động môi trường chiến lược và giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học như thế nào thì không được đề cập đến trong quy hoạch.

Ông Tấn Vinh cũng cho hay, tại cuộc họp, khi hỏi các đại diện của Tổng cục Du lịch đã từng nhìn thấy Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà chưa, các đại diện này đều không đưa ra câu trả lời.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đưa ra quan điểm dù bản quy hoạch mới ban hành năm 2016 nhưng nếu không phù hợp thì cần điều chỉnh lại. Hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch quốc gia Sơn Trà theo hướng bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh quốc phòng và bảo vệ “báu vật” Sơn Trà của người dân Đà Nẵng, đồng thời Hiệp hội cũng kiến nghị cần tổ chức buổi hội thảo với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, đại diện Hiệp hội du lịch để thu thập ý kiến của công luận trước khi trình Thủ tướng.

vooc cha va son tra
Một gia đình Voọc chà vá chân nâu 6 con ở bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: Bieu Nguyen/2016)

Trước đó, khi bán đảo Sơn Trà thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận trong nước với công trình 40 móng biệt thự xây trái phép thuộc Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét lại bản “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà – TP. Đà Nẵng” do Tổng cục Du lịch chủ trì thực hiện và được ban hành theo Quyết định số 2163 của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 9/11/2016 với 4 kiến nghị:

  • Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. TP. Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, thành phố hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (năm 2016 đón 5,5 triệu lượt du khách).
  • Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.
  • Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.
  • Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An để bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, “báu vật” Sơn Trà có sự đa dạng sinh học gồm: 985 loài thực vật bậc cao (có 22 loại thực vật quý hiếm), trong đó có cây đa di sản 800 tuổi; 111 loại động vật hết sức phong phú và đặc hữu.

Trong đó có loài Voọc Chà vá chân nâu được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, được đánh giá là một trong những quần thể Voọc có số lượng lớn nhất trong thế giới tự nhiên, là biểu tượng sinh tồn của Sơn Trà.

Bên cạnh đó, với vị trí chiến lược quốc phòng hết sức quan trọng, bán đảo Sơn Trà án ngữ cửa ngõ vào TP. Đà Nẵng cả đường không, đường bộ và đường thủy và đặc biệt là có hệ thống phòng thủ radar được ví là “mắt thần” của Đông Dương, khống chế cả một vùng biển Đông rộng lớn.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, khu vực quy hoạch phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà có tổng diện tích khoảng 4.439 ha, trong đó, khu vực tập trung phát triển thành Khu Du lịch Quốc gia có diện tích 1.056 ha.

Theo Quy hoạch, đến năm 2025, Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà sẽ đón 3,5 triệu lượt khách; Đến năm 2030 đón trên 4,6 triệu lượt khách du lịch.

Khu du lịch Quốc Gia Sơn Trà được quy hoạch với 03 phân khu chức năng bao gồm:

  • 03 trung tâm dịch vụ và cửa ngõ vào Khu du lịch quốc gia trên 3 trục tiếp cận bán đảo Sơn Trà là: Trung tâm đón tiếp và lưu trú Hồ Xanh – Bãi Bụt; Trung tâm diễn giải môi trường và du lịch sinh thái tại khu vực giao cắt giữa đường lên đỉnh Bàn Cờ và đường Yết Kiêu; và Trung tâm dịch vụ du lịch, nhà hàng tại khu vực Tiên Sa.
  • Các trung tâm, cụm dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp gồm: Trung tâm lưu trú Hồ Xanh – Bãi Bụt; các cụm nghỉ dưỡng: Bãi Trẹm, Bãi Rạng, Ghềnh Đa – Mũi Nghê, Bãi Bắc và Bãi Bắc mở rộng, Tiên Sa; khu biệt thự Tây Nam suối Đá và khu nhà nghỉ dưỡng sinh thái. Quy mô đến năm 2030 có khoảng 1.600 buồng khách sạn.
  • Các khu chức năng phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí; thể thao và ngắm cảnh, gồm: khu vườn hoa và thuốc Nam, khu vườn sim, khu cứu hộ động vật và vườn thú bán hoang dã, khu cắm trại và sinh hoạt cộng đồng, hệ thống các điểm vọng cảnh, điểm câu cá, tham quan thắng cảnh, di tích và lặn biển.

Ngọc Linh

Xem thêm: