Nghị định mới quy định xử phạt trong lĩnh vực báo chí do Chính phủ ban hành đã tăng quyền xử phạt cho các địa phương nếu các báo, tạp chí vi phạm. Nghị định đã có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

bao chi vn
Một sạp sách báo bên đường tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: Tony Duy/Shutterstock)

Thông tin trên do Cục trưởng Cục Báo chí – ông Nguyễn Thanh Lâm nói rõ tại một hôi nghị trực tuyến tổ chức vào sáng 18/12.

Ông Lâm cho biết Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định 2 điểm rất quan trọng. Thứ nhất, quy định hành vi vi phạm cụ thể với mức xử phạt cao hơn trước; thứ hai, trao thẩm quyền xử phạt cho các địa phương.

Ông Lâm nêu một số hành vi như giấy giới thiệu không đúng chuẩn, sai tôn chỉ mục đích; hoạt động biến tướng trá hình cơ quan báo chí… Nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, các đơn vị có thể báo với Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) để phối hợp xử lý.

Điều 33 Nghị định 119 nêu: Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành TT-TT có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Trong đó, Chánh Thanh tra Sở TT-TT và Trưởng đoàn thanh tra TT-TT cấp Sở ngoài phạt tiền (tối đa 100 triệu đồng, tăng gấp đôi so với quy định cũ) còn có quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Như vậy, nhóm chức này không còn bị giới hạn trong phạm vi địa phương và theo ủy quyền theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 31 Nghị định 159/2013/NĐ-CP (“Chánh Thanh tra Sở TT-TT thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản đối với các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND cùng cấp; thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí, nhà xuất bản của trung ương và địa phương khác hoạt động tại địa phương mình khi được ủy quyền”).

Khi bị đưa lên Chánh Thanh tra Bộ TT-TT, Cục trưởng Cục Báo chí, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành có thẩm quyền, mức phạt tiền tối đa lên tới 200 triệu đồng (tăng gấp đôi so với quy định cũ) hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Ngoài Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, Bộ TT-TT đã ra Công văn số 2595/BTTTT-CBC ngày 14/7/2020, trong đó đề nghị lãnh đạo các ngành, địa phương cung cấp thông tin cho báo chí đúng quy định pháp luật và phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ cáo buộc quản chế tự do báo chí