Tại cuộc họp báo chiều 15/11, trước câu hỏi của báo giới về việc một số người dân, trong đó có F0, không liên lạc được với cơ sở y tế, không nhận được túi thuốc C (thuốc kháng virus), BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận “qua nắm bắt tình hình, Sở Y tế ghi nhận thực tế là có những trường hợp như vậy”, cho hay đã “nhắc nhở, hướng dẫn các trường hợp vì nhiều lý do chưa nắm được quy định”.

nguyen huu hung
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng tình hình dịch tại TP.HCM vẫn được kiểm soát, đề nghị mở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến là bước chuẩn bị cho tình huống xấu hơn. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

F0 tăng trong công nhân, đề xuất mở lại khu cách ly để tiếp nhận F0 không có điều kiện cách ly  

Công bố số liệu tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật  TP.HCM (HCDC) – ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết số ca nhiễm COVID-19 (F0) trong tuần vừa qua có sự gia tăng, tại một số quận/huyện/TP như Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 12, Gò Vấp, TP Thủ Đức.

Đa số người nhiễm mới là công nhân lao động tại các doanh nghiệp (DN), khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) và một số khu nhà trọ, được phát hiện khi test tại DN khi đi làm lại. Trong quá trình điều tra ổ dịch để hạn chế nguồn lây thì tiếp tục tìm ra F0 tại các khu trọ.

Ông Tâm cho hay hiện có khoảng 47.000 ca F0 đang điều trị cách ly tại nhà trong tổng số 64.000 ca, chiếm hơn 73%.

Trước cuộc họp báo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM – ông Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn thông báo cấp độ dịch của TP.HCM theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, xác định TP.HCM ở cấp độ dịch 2.

Theo đó, cấp độ dịch COVID-19 của toàn TP không thay đổi so với lần công bố 3 tuần trước đó. Có 4 đơn vị cấp quận/huyện/TP tăng cấp độ dịch là quận 11, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức, từ cấp 1 tăng lên cấp 2.

Huyện Cần Giờ tiếp tục ở cấp độ 3 trong khi huyện Bình Chánh giảm từ cấp 2 xuống cấp 1.

Sở Y tế TP chủ trương tăng trạm y tế lưu động, mở lại các khu cách ly tập trung quận, huyện và thêm bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị F0, dù công bố  rằng một số địa phương có tăng F0 nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát và tình hình dịch của TP.HCM tương đối ổn định.

Lý giải về đề xuất các đề xuất nói trên, ông Hưng cho rằng TP vẫn phải chuẩn bị trước 1 bước, trên 1 mức để đề phòng tình huống có thể xảy ra.

Ông Hưng cho hay theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2021, 16 bệnh viện dã chiến cấp TP sẽ thu hẹp chỉ còn 3 bệnh viện. Do đó, để chăm sóc kịp thời các trường hợp F0 khi cần thiết, Sở Y tế đề nghị thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận – huyện, xem như là cơ sở điều trị tầng 2. 8 quận, huyện đã lập bệnh viện dã chiến với quy mô 300-500 giường để thu dung, điều trị F0 có triệu chứng vừa và nhẹ.

Các F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải cách ly tập trung ở phường xã, quận huyện. Ông Hưng cho hay hiện tại TP.HCM có 62 khu cách ly như vậy.

Theo công bố tại cuộc họp báo, tính đến 18h ngày 14/11, có 448.010 trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện tại TP.HCM, Bộ Y tế đã công bố, gồm 447.469 ca nhiễm trong cộng đồng, 541 ca nhập cảnh.

TP hiện đang điều trị 12.179 bệnh nhân (BN), trong đó: có 646 trẻ em dưới 16 tuổi, 258 BN nặng đang thở máy, 11 BN can thiệp ECMO. Trong ngày 14/11 có 1.150 BN nhập viện, 713 BN xuất viện – tổng số BN xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 263.548 người, 45 trường hợp tử vong trong ngày – tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 17.202 người.

Về tiêm vắc-xin COVID-19, tính đến ngày 14/11, TP.HCM đã đưa vào tiêm hơn 7,85 triệu mũi 1 và hơn 5,95 triệu mũi 2.

Có việc F0 không nhận được thuốc điều trị COVID-19

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc có một số người dân, trong đó có F0, khi cần được tư vấn, chăm sóc và điều trị, thì không liên lạc được với cơ sở y tế. Ngoài ra, nhiều F0 phản ánh không nhận được túi thuốc C (thuốc kháng virus).

“Một số người dân trong đó có F0 cần được chăm sóc, điều trị liên lạc với trạm y tế nhưng không được. Nhiều F0 phản ánh không nhận được túi thuốc C. Qua nắm bắt tình hình, Sở Y tế ghi nhận thực tế là có những trường hợp như vậy”, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận.

“Ngoài một số trường hợp nhân viên y tế giải thích cho người dân chưa đủ nên người dân chưa hiểu, có những trường hợp đủ điều kiện nhưng người dân chưa đồng thuận. Tuy nhiên cũng có những trường hợp cán bộ nhân viên y tế làm chưa hết trách nhiệm với người dân”, ông Hưng cho hay.

Ông Hưng cho biết Sở Y tế đã có văn bản nhắc nhở các địa phương, thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế, từ đó nhắc nhở, hướng dẫn các trường hợp vì nhiều lý do chưa nắm được quy định.

Ông Hưng lưu ý trừ túi thuốc A, các túi thuốc B, C là 2 túi thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và không phải F0 nào cũng có thể sử dụng. “Túi thuốc C chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và sự đồng thuận của bệnh nhân; chống chỉ định đối với bệnh nhân F0 dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận…” – ông Hưng nói.

Theo Sở Y tế TP, hiện TP.HCM còn 20.000 túi thuốc C đủ để cung ứng cho người F0 có chỉ định sử dụng túi thuốc C.

Sở Công thương: Đề xuất cho bán đồ uống có cồn không phải là “cổ xúy” sử dụng 

Tại cuộc họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết TP đang thí điểm bán rượu bia tại TP Thủ Đức và quận 7 đến hết ngày 15/11. Hiện, Sở này cùng 2 địa phương đã sơ kết và sở đề xuất UBND TP cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được phục vụ đồ uống có cồn với những điều kiện cụ thể.

“Sở sẽ kiểm soát, nhưng kiểm soát thế nào tùy cấp độ dịch, và không phải tất cả cấp độ dịch đều cho phép sử dụng đồ uống có cồn”, ông Tú nói.

Đại diện Sở Công thương cũng cho rằng đề xuất cho phép bán đồ uống có cồn là để phục vụ nhu cầu chứ không phải cổ xúy việc lạm dụng. “Sở Công Thương đề xuất cho phép sử dụng đồ uống có cồn để phục vụ nhu cầu của người dân trong điều kiện bình thường mới. Chứ chúng tôi không cổ súy cho việc lạm dụng thức uống có cồn”, ông Tú nói.

Theo công bố của Sở này, 96% các DN sản xuất trong khu công nghệ cao đã hoạt động trở lại; các DN trong KCX, KCN là 96%; tỷ lệ này đối với DN công nghiệp nằm bên ngoài các khu trên là trên 90%.

Nguyễn Quân

Xem thêm: