Mức hỗ trợ sinh hoạt phí 30 triệu đồng đang được Sở Y tế TP.HCM đề xuất với nhóm điều dưỡng, hộ sinh chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tham gia thực hành tại trạm y tế; mức hỗ trợ cho bác sĩ là 60 triệu đồng… Các khoản hỗ trợ nói trên để đáp ứng mức độ làm việc, thu hút các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh tham gia làm việc tại trạm y tế trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) kéo dài.

nhan vien y te tphcm
Nhân viên y tế và người dân trong một đợt lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại phường 12, quận 8, TP.HCM, tháng 8/2021. (Ảnh: HCDC)

Các nội dung trên được đưa ra tại dự thảo tờ trình nghị quyết của Sở Y tế TP.HCM về các cơ chế chính sách đặc thù gửi UBND TP.HCM nhằm củng cố, nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các báo Tuổi Trẻ, VOV2 đưa tin.

Dự thảo áp dụng cho 4 nhóm gồm bác sĩ – điều dưỡng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, viên chức ngành y tế nghỉ hưu, nhân viên vệ sinh – bảo vệ và viên chức làm việc tại trạm y tế hoặc luân phiên… khi tham gia chương trình thí điểm thực hành tại các trạm y tế.

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tại trạm y tế tăng lên gấp nhiều lần, khó “giữ chân” được nhân lực có chuyên môn. Năm 2021, 120 viên chức làm việc tại trung tâm y tế nghỉ việc, trong đó có 58 viên chức tại trạm y tế.

Trước kia, nhân viên trạm y tế chỉ làm 8 giờ/ngày, được nghỉ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, nay thời gian làm việc tăng lên 16-18 giờ/ngày, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Mức thu nhập vẫn giữ nguyên. Do đó, theo Sở này, cần có giải pháp tăng thu nhập đối với nhân viên tại trạm y tế.

Mức hỗ trợ sinh hoạt phí đối với bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề đăng ký và tham gia chương trình thí điểm là 60 triệu đồng, chia 3 đợt (20 triệu đồng/đợt) sau khi tham gia đủ 6 tháng, tối đa không quá 18 tháng.

Mức hỗ trợ đối với điều dưỡng, hộ sinh chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tham gia thực hành tại trạm y tế là 30 triệu đồng, chia 2 đợt (15 triệu đồng/đợt), chi trả sau khi tham gia đủ 5 tháng; đợt 2 được chi trả sau khi tham gia đủ 4 tháng còn lại, tối đa không quá 9 tháng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, với gói hỗ trợ 60 triệu đồng/18 tháng, bình quân là 3,33 triệu đồng/tháng, xấp xỉ mức chi tiêu bình quân của các hộ gia đình thành thị (3,8 triệu đồng/người/tháng), theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê.

Điều kiện ràng buộc là các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh phải tham gia chương trình toàn thời gian, không có nguồn thu nhập khác để trang trải chi phí sinh hoạt như đi lại, ăn uống, chỗ ở.

Sở Y tế TP dự kiến với khoản hỗ trợ trên, hằng năm có thể thu hút 500 bác sĩ và 100 điều dưỡng, hộ sinh tham gia chương trình này. Dự toán tổng kinh phí gói hỗ trợ sinh hoạt phí là 33 tỷ đồng.

Đầu tháng 12/2021, tại dự thảo của Sở Y tế TP gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP về việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo các văn bản đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở trong dịch COVID-19, Sở này cho hay TP.HCM đang thiếu  nghiêm trọng nhân viên lực tại các cơ sở y tế địa phương.

TP.HCM có 310 trạm y tế, trong đó, 174/310 trạm y tế có số dân trên 20.000 dân. Trong số 174 trạm y tế trên 20.000 dân nói trên có 40 trạm có số dân trên 50.000 dân, 3 trạm có số dân trên 100.000 dân.

Tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều ngày 29/11, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết trong năm 2020 có 597 nhân viên y tế nghỉ việc; riêng trong 10 tháng đầu năm 2021 có 988 người nghỉ việc. Theo bà Mai, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc tăng nhẹ ở khối điều dưỡng, bác sĩ ở trạm y tế. Lý do nghỉ việc chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình, lý do cá nhân.

Sơn Nguyên

Xem thêm: