Sau khi đi học trực tiếp trở lại từ ngày 7/2, số trẻ mắc COVID-19 tại TP.HCM hiện ghi nhận tăng cao, qua 3 tuần tăng thêm gần 34 nghìn trẻ mắc mới. Đại diện Sở Y tế TP cho hay số trẻ mắc COVID-19 diễn tiến nặng không nhiều. 

benh vien nhi dong 2 tphcm
Một trẻ cùng người nhà ngồi đợi ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, tháng 3/2022. (Ảnh minh họa: Nguyễn Hữu Long/Facebook)

Tại cuộc họp báo thường kỳ của TP.HCM về tình hình dịch COVID-19 vào chiều 14/3, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết số trẻ mắc COVID-19 tăng khi học trực tiếp trở lại.

Trong đó, tuần từ ngày 7-13/2 ghi nhận có 449 trẻ; tuần 14-21/2 có 6.799 trẻ; tuần 22-28/2 có 18.522 trẻ và tuần 1-7/3 có 34.202 trẻ mắc COVID-19. Theo đó, số ca tăng giữa các tuần dao động từ khoảng 6.000 – 12.000 – 16.000 ca.

Bà Mai cho biết Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã triển khai các hoạt động như hướng dẫn xử lý F0, có các kịch bản đáp ứng tùy theo điều kiện tình hình tại trường học.

Số trẻ mắc COVID-19 diễn tiến nặng thời gian qua không nhiều nhưng Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ mắc COVID-19 – bà Mai cho hay.

Việc các bệnh viện gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TPHCM tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức) là để ứng phó với tình huống số mắc ở trẻ em tăng cao. Ngoài ra, các bệnh viện nhi sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ em mắc COVID-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị.

Theo đại diện Sở Y tế TP, số ca mắc COVID-19 chung của TP.HCM đang có xu hướng giảm liên tục. Dù ghi nhận thêm các trường hợp nhập viện ở các tầng nhưng không tăng đột biến. Số ca nặng và tử vong dù có tăng nhẹ nhưng vẫn đang ở mức thấp so với đợt đỉnh dịch vào tháng 8 và tháng 9/2021.

Theo công bố của giới chức TP, tính đến 18h ngày 13/3, tổng cộng TP.HCM ghi nhận 569.769 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, gồm 568.813 ca nhiễm trong cộng đồng, 956 ca nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 5.666 bệnh nhân, trong đó: có 407 trẻ em dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 3 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 328.144; tổng số ca tử vong cộng dồn cùng thời điểm là 20.435.

Trong ngày 13/3 có 577 bệnh nhân nhập viện, 541 bệnh nhân xuất viện, 3 trường hợp tử vong. Toàn TP này đã đưa vào tiêm hơn 8,1 triệu vắc-xin COVID-19 mũi 1, hơn 7,3 triệu mũi 2, hơn 677.00 mũi bổ sung và hơn 4,1 triệu mũi nhắc lại.

Đáng lưu ý, bà Mai xác nhận TP dự kiến chuẩn bị tiêm vắc-xin COVID-19 đối với trẻ em từ 5-11 tuổi, còn trẻ em từ 0-5 tuổi chưa có kế hoạch tiêm. Bà Mai cho rằng vì nhóm trẻ này chưa được tiêm vắc-xin COVID-19 nên người lớn cần làm theo các hướng dẫn phòng ngừa bệnh để tránh lây nhiễm trong cộng đồng và bảo vệ các nhóm trẻ này.

Đầu tháng 3, lý giải về số ca mắc COVID-19 gia tăng, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở y tế TP.HCM cho biết TP ghi nhận có hai biến thể phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron song hành, trong đó, “biến thể phụ BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn BA.1”. Đó là lý do vì sao trong thời gian qua, số ca mắc đang tăng.

Giới chức y tế TP cho biết biến thể Omicron chiếm 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene tại TP này. “Biến chủng này lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn” – ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế  cho hay.

Trẻ mắc Omicron: Không nên đổ dồn đi khám vì lo lắng, cần biết rõ nhóm trẻ cần đi bệnh viện

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Cố vấn khối Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, những ngày qua, nhiều bệnh viện nhi khoa đông đúc do trẻ em khi xét nghiệm nhanh COVID-19 ra 2 vạch được phụ huynh đưa tới khám. Ông Khanh cho hay dù phụ huynh đưa tới bệnh viện khám thì nhiều, số trẻ F0 phải nhập viện đợt Omicron này không nhiều. Phần lớn phụ huynh đưa trẻ tới khám vì lo lắng chứ không phải vì trẻ có triệu chứng đáng ngại.

“Việc trẻ đang bệnh, mệt phải chờ đợi trong một bệnh viện đông đúc có thể khiến trẻ mệt mỏi thêm. Nếu con bạn là đứa trẻ bình thường, không có bệnh nền nặng, hãy tin là Omicron sẽ sớm qua mà không để lại di chứng nào.” – bác sĩ Khanh nhận định, trích theo báo Người Lao Động ngày 15/3. Nếu có thực sự cần khám thì cũng cân nhắc hoàn toàn có thể khám ở cơ sở y tế gần nhà, phòng khám, thay vì phải lên bệnh viện tuyến tỉnh, thành.

Trẻ cần đi khám khi bị COVID-19 là khi trẻ sốt trên 48 giờ, “vì lúc đó khả năng cao là trẻ mắc sốt xuất huyết chứ không phải COVID-19, cũng có thể mắc cả 2 bệnh. Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm hơn”.

Ngoài ra, nhóm trẻ mắc COVID-19 cần đi khám là những trẻ quá sức dư cân, ví dụ còn nhỏ đã nặng 80-90 kg, hoặc có bệnh lý nặng như bại não, suy gan, suy thận… và dạng tiểu đường không được kiểm soát ổn định (khi trẻ có một giai đoạn ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân khó hiểu trong vòng 5-6 tháng qua).

Trên trang Facebook cá nhân, ngày 14/3, bác sĩ Khanh khuyến cáo: “Trẻ bị COVID-19 không cần dùng kháng sinh hay kháng viêm cortisol dù 48 giờ đầu sốt cao khó hạ. Cẩn thận không nên dùng”.

Đối với phụ huynh, ông Khanh khuyên cần bình tĩnh khi trẻ nghi ngờ hay trẻ là F0, vì đa số trẻ bệnh nhẹ và không triệu chứng. Hãy xử trí như những lần trước trẻ bệnh. Sự lo lắng của phụ huynh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ”, theo ông Khanh.

Nguyễn Quân