Tính đến ngày 1/7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận gần 900 ca mắc sốt xuất huyết với 24 ổ dịch, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Dịch sốt xuất huyết đã ghi nhận tại toàn bộ 15/15 huyện, thị xã, thành phốtrong tỉnh.

phun hoa chat sot xuat huyet
Phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ ở huyện Ea H’leo, tháng 6/2022. (Ảnh: Quang Nhật/yte.daklak.gov.vn)

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC Đắk Lắk), từ đầu năm đến ngày 23/6, toàn tỉnh đã ghi nhận 722 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 20 ổ dịch, tăng gấp 3,43 lần so với cùng kì năm trước.

Đến ngày 30/6, thêm 5 trường hợp mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại buôn Hiao1 và buôn Kra, xã Ea Hiao, nâng tổng số ca bệnh tại huyện Ea H’leo lên 60 ca.

Tính đến ngày 1/7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận gần 900 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 24 ổ dịch, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. 15/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó, tập trung nhiều tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Pắk, Lắk, Cư M’gar, TP Buôn Ma Thuột…

Ngày 2/7, BS Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách CDC Đắk Lắk cho hay các ổ dịch sốt xuất huyết vừa phát hiện tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk đang diễn biến phức tạp nhất, hiện ghi nhận có 7/10 tổ dân phố, thôn, buôn có ổ dịch trong thời gian rất ngắn với số bệnh nhân tăng nhanh.

Theo kết quả kiểm tra vào ngày 30/6 của CDC tại các ổ dịch tại huyện Lắk, mật độ muỗi và chỉ số BI (chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy) rất cao. Rất nhiều loại muỗi gây sốt xuất huyết có tồn tại trong nhà dân lẫn cánh đồng sản xuất nông nghiệp.

Trước tình hình trên, ngành y tế Đắk Lắk triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung phun hóa chất toàn bộ thị trấn Liên Sơn và một phần xã Đắk Liêng nhưng lại thiếu hóa chất.

Đại diện CDC tỉnh cho hay hiện CDC tỉnh chỉ còn 30 lít hóa chất. Đơn vị này đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cấp thêm nhưng cũng chỉ được 49 lít, trong khi cần phải có 180 lít hóa chất để phun 2 lần toàn bộ thị trấn Liên Sơn và một phần xã Đắk Liêng.

Lý giải về tình trạng này, CDC Đắk Lắk cho rằng công tác đấu thầu thuốc đang gặp nhiều khó khăn, quá nhiều thủ tục trong khi nhân lực ngành y đang thiếu hụt sau vụ mua kit test COVID-19 của Công ty Việt Á.

Về tình hình điều trị, Trung tâm Y tế huyện Lắk cho hay hiện ghi nhận 75 trường hợp mắc sốt xuất huyết (25 trẻ em) và được điều trị tại trung tâm. Có 4 trường hợp giảm tiểu cầu, diễn tiến nặng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và một số phải chuyển đến TP.HCM điều trị.

Bác sĩ Phúc cho hay nguyên nhân khiến dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh, về khách quan là sự biến đổi của khí hậu, thời tiết nắng nóng kết hợp với những đợt mưa thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển. Nhân lực y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế xã, phường phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên việc phòng dịch gặp khó khăn.

Về nguyên nhân chủ quan là một bộ phận dân cư chưa có ý thức trong việc tự diệt và phòng chống lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phối hợp với ngành y tế trong quá trình xử lý hóa chất; UBND xã, phường, tổ dân phố, ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp chưa hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh, hoạt động của lực lượng y tế thôn/buôn chưa thật sự tích cực…

Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Cơ quan y tế tỉnh khuyến cáo thời tiết đang bước vào mùa mưa, người dân có thể tự phòng bệnh bằng cách dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi, lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng.

Đồng thời, người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang muỗi để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu sốt, kéo dài, đau đầu, đau người… nên đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Minh Sơn