TAND Tối cao đề xuất thành lập ba toà chuyên biệt là Hành chính, Sở hữu trí tuệ và Phá sản trong cơ cấu tổ chức của TAND Cấp cao; thay đổi mô hình tổ chức theo cấp xét xử, có thêm vị trí thẩm phán dự bị.

17 tham phan gio tay dong y khong khang nghi vu ho duy hai
Hình ảnh 17 thẩm phán giơ tay biểu quyết y án tử tù Hồ Duy Hải, hồi năm 2020. (Ảnh chụp màn hình).

Tại Việt Nam, mô hình tổ chức TAND hiện gồm: TAND Tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện và tòa án quân sự.

Tại dự thảo lần 2 hồ sơ xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND Tối cao đưa ra nhiều đề xuất đổi mới liên quan mô hình tổ chức tòa án và chức danh thẩm phán.

Cụ thể, mô hình tổ chức mới của TAND được đề xuất gồm: TAND Tối cao, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt và tòa án quân sự.

Trong số này, TAND Tối cao về cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức như hiện hành.

TAND cấp cao được thành lập thêm 3 tòa chuyên trách về hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ để xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với các vụ án của TAND sơ thẩm chuyên biệt bị kháng cáo, kháng nghị. Trong đó, tòa hành chính sẽ xử sơ thẩm các vụ án hành chính, tòa phá sản xử sơ thẩm các vụ việc phá sản, tòa sở hữu trí tuệ giải quyết các vụ án liên quan sở hữu trí tuệ.

TAND phúc thẩm được tổ chức tại 63 tỉnh, thành, có nhiệm vụ là xét xử phúc thẩm các vụ án của TAND sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.

TAND sơ thẩm được tổ chức tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, sẽ có tòa chuyên trách và tòa giản lược (xét xử sơ thẩm các vụ án ít nghiêm trọng, sự việc phạm tội đơn giản hoặc tranh chấp có giá trị không lớn).

TAND sơ thẩm chuyên biệt được được tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh, thành tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi loại vụ việc; có chức năng, nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các loại vụ việc đặc thù theo từng lĩnh vực; gồm: TAND sơ thẩm sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm hành chính, TAND sơ thẩm phá sản và TAND sơ thẩm môi trường.

Theo đánh giá của TAND Tối cao, sự thay đổi trên sẽ “nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong hoạt động của tòa án cũng như chất lượng xét xử và giải quyết các vụ việc; đồng thời tiết kiệm chi phí tố tụng cho nhà nước, người dân”.

Đề xuất kéo dài nhiệm kỳ công tác của thẩm phán

Thẩm phán TAND hiện gồm thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp.

Theo quy định này, TAND Tối cao không có thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp; TAND cấp cao không có thẩm phán trung cấp, sơ cấp.

Theo TAND Tối cao, các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng thẩm phán đều là án khó, đòi hỏi người giải quyết phải có chuyên môn vững, kinh nghiệm xét xử. Bởi thế theo quy định hiện hành không còn phù hợp, không huy động được thẩm phán giàu kinh nghiệm đến làm việc tại TAND Tối cao và Cấp cao.

TAND Tối cao đề xuất sửa đổi, bổ sung ba ngạch của thẩm phán theo hướng: thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán và thẩm phán dự bị. Thẩm phán bao gồm các bậc từ bậc 1 đến 8.

Thẩm phán dự bị sẽ do Chánh án TAND Tối cao bổ nhiệm, thực hiện một số công việc của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nhưng không được làm chủ tọa phiên tòa hoặc tham gia các phiên họp giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của toà án.

Về nhiệm kỳ của thẩm phán, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định nhiệm kỳ đầu là 5 năm. Khi bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo 10 năm. Tuy nhiên, TAND Tối cao cho cho rằng quy định nhiệm kỳ như hiện hành chưa tạo tâm lý yên tâm công tác cho các thẩm phán.

TAND Tối cao đề xuất bổ sung theo hướng kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán nhưng kéo dài trong thời gian bao nhiêu năm thì chưa nhắc đến.

Hoàng Minh