Trong một dự thảo vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất đồng loạt tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với nhiều mặt hàng, như xăng, dầu, mỡ nhờn, dầu nhờn… Riêng xăng, mặt hàng nhiên liệu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, mức tăng được đề xuất từ 3.000 đồng/l lên 4.000 đồng/l – mức kịch khung của thuế môi trường với xăng theo quy định hiện hành.

tang thue xang dau
Việc tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ đè nặng áp lực kinh tế lên vai người dân khi mọi mặt hàng đều tăng giá theo, trong khi hiệu quả của các khoản chi để bảo vệ môi trường vẫn chưa được xác thực. (Ảnh minh họa/Gia Bảo)

Theo Luật Thuế BVMT hiện hành, khung thuế BVMT với xăng từ 1.000 đến 4.000 đồng/l; với dầu diesel từ 500 đến 2.000 đồng/l; với dầu mazut, dầu nhờn từ 300 đến 2.000 đồng/l; mỡ nhờn 300-2.000 đồng/kg. Với đề xuất trên, Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng thuế BVMT xăng dầu lên kịch khung cho phép.

Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, từ ngày 1/7/2018, mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng tiền thuế môi trường trong khi các mặt hàng dầu còn lại tăng 500-1.100 đồng trên một đơn vị tính.

Trước đó, cuối năm 2016, Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi, với đề xuất đề xuất tăng khung thuế BVMT lên tối đa 8.000 đồng/l với xăng và 4.000 đồng/l, kg với các loại dầu, áp dụng từ ngày 1/7/2018. Việc điều chỉnh khung thuế BVMT được cho là một trong những giải pháp để “điều chỉnh chính sách thu, nhằm cơ cấu lại ngân sách nhà nước“, theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) (1), bất kể trước đó đại diện khối doanh nghiệp VCCI nhận định “không thể lấy cớ bù hụt thu ngân sách bằng cách nâng khung thuế với xăng, dầu(2).

Nhưng hãy nhắc lại bài toán BVMT mà Bộ Tài chính đã giải. Tháng 6/2017, Bộ Tài chính trình Chính phủ Dự thảo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Bảo vệ Môi trường (3), trong đó cho biết từ năm 2012 đến năm 2016, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng.

Cụ thể, con số thuế BVMT thu trong năm 2012 là 11.160 tỷ đồng, năm 2013 tăng lên 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là 11.970 tỷ đồng. Năm 2015, mức thuế thu được đã tăng gấp hơn 2 lần, tổng mức 27.020 tỷ đồng. Năm 2016, con số này thậm chí tăng tiếp lên gấp 1,5 lần, lên 42.393 tỷ đồng.

Tổng số thu thuế BVMT trong thời gian trên là 104.055 tỷ, chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% – 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 0,3% – 0,9% trên GDP hàng năm. 

Cũng trong 5 năm kể trên, từ 2012-2016, Bộ này cho hay tổng số chi cho BVMT lên tới 131.857 tỷ đồng, bình quân 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn tổng số thu 27.802 tỷ đồng.

Trong tổng số chi trên, theo báo cáo, 89.131 tỷ đồng được chi cho các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo…; các chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu (2012-2016), về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2012-2016), phát triển lâm nghiệp bền vững (2016); chi thực hiện các chính sách quản lý sử dụng đất trồng lúa, phát triển rừng, quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, duy tu đê điều, khuyến nông, công ích thủy nông…

Khoảng 24.246 tỷ đồng chi cho các chương trình, dự án của ngành tài nguyên và môi trường; ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải; chi lồng ghép trong nhiều chương trình về nước sạch và vệ sinh nông thôn, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,…

Khoảng 18.480 tỷ đồng còn lại được chi để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý sự cố đê kè, hồ chứa,…

Song, ngay cả khi chi tiêu vượt mức, thực tế chất lượng môi trường tại Việt Nam như thế nào?

Cuối tháng 11/2017, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Giữa tháng 2/2018, trang web Aqicn.org (Mỹ) – nơi cung cấp số liệu ô nhiễm không khí các thành phố trên thế giới theo từng giờ – cho biết chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội lên tới 256 – tức có 256 hạt bụi PM2.5 trong 1m3 không khí. Đây là mức rất không tốt, cảnh báo tình trạng ô nhiễm khẩn cấp tới tất cả mọi nhóm người. Cùng thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Bangkok (Thái Lan) là 186, tại Jakarta (Indonesia) là 165. TP.HCM – thành phố lớn nhất Việt Nam có chỉ số AQI là 169. Cả ba thành phố đều nằm trong mức không tốt đối với tất cả mọi nhóm người. Manila (Philippines), Singapore đều ở mức 91. Đặc biệt tại Kuala Lumpur (Malaysia), chỉ số AQI chỉ là 36 – mức đạt tiêu chuẩn an toàn. 

Bất kể hàng nghìn tỷ đồng được báo cáo chi vào khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, chất lượng không khí tại Hà Nội thậm chí trở nên trầm trọng hơn. Chỉ số AQI tại Hà Nội đo vào một năm trước (tháng 1/2017) là 156 – tức là có 156 hạt bụi PM2.5 trong 1m3 không khí, mức không tốt cho tất cả mọi người, bao gồm cả người khỏe mạnh và người có vấn đề về hô hấp.

tang thue xang dau
Chỉ số chất lượng môi trường (qua mật độ bụi mịn PM2.5/m3 không khí) tại một số thành phố lớn khu vực châu Á, ngày 14/2/2018. (Nguồn: aqicn.org)

Trong khi ngay tại Hà Nội, TP.HCM – các đô thị đông dân cư – liên tục phải trải qua các đợt ô nhiễm bụi trong không khí ở mức cao kéo dài nhiều ngày, các dự án nhiệt điện vẫn tiếp tục được lên danh sách. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, cả nước sẽ có 31 nhà máy nhiệt điện chạy than đi vào vận hành; đến năm 2025, số lượng nâng lên 47 nhà máy; đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 52 nhà máy nhiệt điện than vận hành với tổng công suất 55.252 MW.

Trung bình mỗi nhà máy có công suất 1.200 MW sử dụng than tại Việt Nam thải ra 1,2 – 1,5 triệu tấn tro/năm. Hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, với công suất phát gần 14.500MW, thải khoảng 15 triệu tấn tro xỉ/năm. Với tổng công suất nhiệt điện than đã được phê duyệt, đến 2030, nếu công nghệ và chất lượng than không được cải tiến, Việt Nam sẽ phải đối mặt với lượng tro xỉ lên tới 55 triệu tấn/năm.

Đó là ô nhiễm từ bụi không khí. Hiện trạng ô nhiễm ở Việt Nam không thể không nhắc đến các dự án gây tổn hại lớn tới môi trường. Bất kể nhiều nỗ lực che giấu, bao biện, mức độ khủng khiếp từ thảm hoạ môi trường biển do nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải (phát hiện vào tháng 4/2016) khiến bốn tỉnh miền Trung điêu tàn, người dân xiêu tán, Bộ Tài Nguyên – Môi trường (TN-MT) đã xếp vụ ô nhiễm biển này ở vị trí thứ nhất trong 7 thảm họa trong báo cáo môi trường quốc gia 2016.

Khi những đền bù thiệt hại về kinh tế, khắc phục môi trường biển từ vụ ô nhiễm biển vẫn còn gây tranh cãi, tháng 5/2017, Bộ TN-MT xác nhận nhà máy Formosa Hà Tĩnh đủ điều kiện hoạt động, dù chưa chuyển từ dập cốc ướt – loại công nghệ sinh ra rất nhiều hóa chất độc hại – sang dập cốc khô. Chưa hết, ngày 23/6/2017, Bộ TN-MT ra Quyết định số 1517, cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Chưa đầy một tháng sau, Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) hay còn gọi là nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân 2 đánh tiếng cho biết đang xin giấy phép tiếp tục đổ xuống biển Bình Thuận 2,4 triệu m3 bùn cát thải nạo vét. Mặc dù sau đó Bộ TN-MT chấp thuận không nhận chìm bùn thải nạo vét xuống biển, điều này trực tiếp bộc lộ tình trạng người dân không có tiếng nói trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình. Môi trường sống nằm trong tay những cá nhân nắm quyền phê duyệt các dự án mà ở đó lợi ích kinh tế trở nên vô lý trước những mất mát về môi trường.

Đầu năm 2018, Trung tâm Di sản Thế giới và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã tái khẳng định mối quan tâm về đề xuất xây dựng cáp treo vào hang động Sơn Đoòng (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Quảng Bình), kêu gọi hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch dự án theo khuyến cáo đã được công bố vào tháng 7/2017 trong tài liệu kiểm tra, thẩm định và bảo tồn 99 di sản của thế giới nằm tại các quốc gia thành viên.

Vào tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương làm cáp treo vào hang Én, nơi được coi là “cửa ngõ” đến hang Sơn Đoòng khi từ Hang Én đến hang Sơn Đoòng chỉ cách khoảng hơn 3km, chỉ có thể tiếp cận bằng cách lội suối và đi bộ (trekking). Dự án cáp treo tại khu vực hang Sơn Đoòng đã được tỉnh Quảng Bình đánh tiếng từ 3 năm trước, với những thông tin úp mở kéo dài cho tới nay mặc dù vấp phải sự phản đối cả ở trong nước lẫn cộng đồng quốc tế khi gây nguy cơ lớn làm tổn hại một quần thể di sản thiên nhiên vào loại kỳ vĩ nhất của thế giới này.

Điều này cho thấy khoảng cách vời vợi giữa tuyên bố bảo vệ môi trường từ phía chính quyền với thực tế bảo vệ, cải thiện môi trường sống ở Việt Nam. Từ hàng ngàn tỷ đồng được báo cáo sử dụng vào các dự án môi trường tới đề xuất tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, từ những phát ngôn bảo vệ môi trường tới những dự án được quyết định một chiều, với giá trị duy nhất là gây hủy hoại môi trường nếu cân nhắc tới chi phí thời gian và tài chính để khắc phục hậu quả – cho thấy một điều cơ bản là người Việt không có quyền lên tiếng. Đây mới là điều nguy hiểm nhất, đau buồn nhất của người Việt. Khi người dân bị tước đi quyền được lên tiếng, thì sự nguy hiểm không đơn giản nằm ở vấn đề sức khoẻ thể chất hay sự suy yếu về tài chính nữa. Nó báo trước sự suy nhược về tinh thần khi bầu khí quyển xã hội với quyền tự do tư duy, tự do biểu đạt, quyền được bảo vệ môi trường sinh dưỡng của mỗi người từng giờ đang bị làm cho tiêu biến.

Không phải ở giá thuế BVMT đối với xăng dầu tăng lên bao nhiêu, mà ở việc số tiền thuế tăng thực sự được chi dùng vào đâu. Không phải ở con số hàng nghìn tỷ đồng được chi vào các dự án môi trường như thế nào, mà ở việc môi trường thực sự đã, đang và sẽ được bảo vệ ra sao. Nếu sự “ô nhiễm” do bội tín không được giải quyết trong xã hội, thì những dự án, kế hoạch mang vỏ bọc bảo vệ môi trường sẽ còn tiếp diễn. Tăng chi cho môi trường hay cần thiết phải “tăng chi” cho trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiết nghĩ đó mới là điều thực sự cần lý giải.

Vĩnh Long

Tài liệu tham khảo:

  1. Thời báo Tài chính Việt Nam, Chi cho môi trường lớn hơn thu từ thuế bảo vệ môi trường, ngày 2/6/2017.
  2. Vnexpress, Thuế bảo vệ môi trường: Thu 4 đồng, chi 1 đồng, ngày 13/2/2017.
  3. Bộ Tài chính, Dự thảo Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường, ngày 29/5/2017.

Xem thêm: