Tạp chí Môi trường và xã hội (trụ sở Hà Nội) từng đăng tải bài viết: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật?”.

Tạp chí Môi trường và xã hội, tiến sĩ Phạm Đình Quý, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố cáo
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật. (Ảnh từ cổng thông tin điện tử Đắk Lắk)

Truyền thông quốc nội hôm 30/9 lan truyền thông tin, Tạp chí Môi trường và Xã hội (trụ sở Hà Nội) bị Cục báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam) xử phạt hành chính 50 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động báo in trong 2 tháng, tịch thu ấn phẩm Tạp chí Môi trường và Xã hội số đặc biệt 16/2020.

Tạp chí Môi trường và Xã hội ấn phẩm đặc biệt số 16/2020 có đăng bài: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật?”.

Với bài viết này, Cục báo chí Việt Nam cho rằng Tạp chí Môi trường và xã hội đã đăng thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Bài ấn phẩm có nội dung:

“Vừa qua, Tòa soạn Môi trường và Xã hội nhận được đơn tố cáo của anh P.Đ.Q về việc: “Ông Bùi Văn Cường – Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, đạo luận án Tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân”

Cụ thể, năm 2016, ông Bùi Văn Cường làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, năm 2018 bảo vệ luận án. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, luận án Tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường có 3 chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình xuất bản trước đó.

Bên cạnh đó, ông Cường còn chép từ các công bố khác; nhưng lại có một số tài liệu không trích dẫn nguồn tài liệu; điển hình là tài liệu: Vũ Tú Nam, Nghiên cứu đề xuất quy trình vận hành và khai thác hệ thống quản Lý hàng hải tàu biển (VTS): Luồng Hải Phòng; Luận văn Thạc sĩ, Trường đại học Hàng Hải [2015]. Vũ Văn Duy, Nguyễn Chí Công, Ứng dụng CFD nghiên cứu động lực học vật thể chuyển động trong môi trường chất lỏng; Nội san Khoa học, số 02; Viện cơ khí, Đại học Hàng hải Việt Nam [2016].

Ngoài ra, Luận án còn có tình trạng trích dẫn tài liệu ngụy tạo như: Ghi trích dẫn tài liệu số 48, 49, 57 (tài liệu nước ngoài), nhưng thực tế hình vẽ và cách diễn giải thì lại lấy từ tài liệu tiếng Việt của Nguyễn Hữu Quyền [Nguyễn Hữu Quyền; Nâng cao chất lượng ổn định hướng đi tàu thủy sử dụng bộ quan sát trạng thái; Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường đại học Hàng Hải Việt Nam; tháng 6/2016].

Điều nghiêm trọng là tài liệu này không được ông Bùi Văn Cường liệt kê trong Danh mục tài liệu tham khảo của Luận án của mình để vờ như là chính mình đọc và tham khảo trực tiếp bằng tài liệu tiếng Anh nước ngoài; nhưng “tư tưởng lớn gặp nhau” đến nỗi giống từng câu, từng chữ, từng hình vẽ với Nguyễn Hữu Quyền.

Tại Chương 1, Mục 1.3: Ghi trích dẫn tài liệu nước ngoài; nhưng hình vẽ và phần phân tích công thức thực chất là lấy từ tài liệu đã công bố nói trên.

Như vậy, ông Bùi Văn Cường lấy nội dung của Nguyễn Hữu Quyền chép vào Luận án; nhưng lại “vờ vịt” là trích dẫn từ tài liệu nước ngoài. Minh chứng là đưa vào danh mục tài liệu tham khảo các tài liệu của nước ngoài nhưng không cước chú là nội dung nào? lấy từ tài liệu nước ngoài nào? cho từng phần trích dẫn. Hành vi này rõ ràng là gian dối trong học thuật. Việc chủ động, cố ý “đạo văn” thêm một minh chứng nữa để thấy là rất rõ ràng.

Theo quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ của Trường đại học Hàng hải Việt Nam thời điểm ông Bùi Văn Cường làm nghiên cứu sinh, ông Bùi Văn Cường không đủ điều kiện bảo vệ luận án theo quy chế đào tạo Tiến sĩ của Trường nhưng vẫn được bảo vệ và cấp bằng Tiến sĩ.

to cao bi thu dak lak 1
Bài viết của Tạp chí Môi trường và xã hội.

Ông Bùi Văn Cường biết “thuật phân thân”?

Đặc biệt, luận án tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường cho biết, nghiên cứu sinh có 3 lần nghiên cứu thực địa, nhưng chỉ có lần 3 diễn ra ngày 15/7/2017 tại Hải Phòng được mô tả chi tiết từ trang 122 đến trang 127 để đi đến kết luận cho cả chương 3 lẫn toàn bộ đề tài luận án.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 15/7/2017 nói trên, ông Bùi Văn Cường trong cương vị Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ và khánh thành Giai đoạn 1 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa.

Rất nhiều báo, đài đưa tin về sự kiện này với hình ảnh ông Bùi Văn Cường tham dự các hoạt động liên quan tại Khánh Hòa trong ngày 15/7/2017.

Ngày 15/7/2017 ông Bùi Văn Cường tham dự sự kiện tại Khánh Hòa mà trưa 15/7/2017 đã có mặt để đi khảo sát thực địa luồng lạch ở Hải Phòng là một điều không thể thực hiện được.

to cao bi thu dak lak 2

Phải chăng, ông Bùi Văn Cường biết “thuật phân thân” để làm 2 việc khác nhau tại 2 nơi; Hay thực chất chỉ có một ông Bùi Văn Cường làm việc ở Khánh Hòa trong ngày hôm đó; Vấn đề này, cần được cơ quan chức năng sớm vào cuộc đưa ra ánh sáng xem ông Cường vào ngày 15/7/2017 là ở nơi đâu?

Hơn nữa, cả luận án Tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường lẫn đề tài nghiên cứu khoa học của thầy hướng dẫn ông mà luận án sao chép khoảng 70% nội dung, đều có trích dẫn “tài liệu tham khảo” là google.com.vn, amazon.com và nhiều website khác, một điều chưa từng có tiền lệ trong nghiên cứu khoa học và làm luận án Tiến sĩ .

Liêm chính học thuật là yêu cầu tối thiểu đối với người nghiên cứu bình thường, đối với các đồng chí làm công tác lãnh đạo thì sự “trung thực, liêm chính” càng phải được đề cao hơn nữa. Tuy nhiên, luận án Tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường lại hoàn toàn cho thấy điều ngược lại”.

Ông P.Đ.Q – người tố cáo Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường là ai?

Ông P.Đ.Q chính là Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng (địa chỉ ở quận 7, TP.HCM), cũng là con trai đại lão võ sư Phạm Đình Trang – chưởng môn phái Thiếu Lâm Long Hổ.

Tiến sĩ Phạm Đình Quý bị 8 người khống chế vây bắt vào hồi 18h hôm 23/9/2020, khi đang trên đường đi ăn tối cùng vợ là chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, gần Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Vụ bắt giữ được cho là do Công an Đắk Lắk thực hiện. Ông Quý và vợ bị đưa đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM).

Chị Xuân được thả sau khi bị buộc ký giấy cam kết tuyệt đối không tiết lộ sự việc. Còn ông Quý bị bị di lý về Đắk Lắk với cáo buộc vu khống và bôi nhọ danh dự người khác.

Thời gian qua, gia đình không liên lạc được với ông Quý. Hôm 28/9, Đại lão võ sư Phạm Đình Trang đăng tải trên trang cá nhân kêu gọi nhờ cộng đồng hỗ trợ về pháp lý “để bảo vệ sinh mạng và sự công bằng” cho con trai.

Sáng 30/9, ông Trang cho biết gia đình vừa nhận được thông báo của Công an Đắk Lắk về việc “bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” với ông Phạm Đình Quý, về hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Trước đó, công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, tạm giữ ông Hoàng Minh Tuấn (40 tuổi, trú Cư Kuin, Đắk Lắk), là võ sư, là học trò của ông Quý.

Về vụ việc, luật sư Luân Lê nhận định trên trang Facebook cá nhân:

BẮT, GIỮ NGƯỜI THEO THỦ TỤC NÀO?

Trong các trường hợp, việc bắt, giữ người theo thủ tục hình sự phải có mặt của đại diện chính quyền địa phương và trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt, giữ người thì cơ quan có thẩm quyền bắt, giữ phải thông báo cho gia đình hoặc nơi công tác (làm việc, học tập) của người đó biết về việc bắt, giữ người.

Không bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc người bị truy nã. Giờ ban đêm tính từ 22 giờ đêm hôm trước tới 06 giờ sáng hôm sau.

Trong thủ tục có: giữ người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người; nhận người bị giữ, bị bắt, tự thú, đầu thú.

Người bị tạm giữ gồm: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã, người phạm tội tự thú, đầu thú – và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

Bắt người gồm: bắt người phạm tội quả tang; bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt người đang bị truy nã và bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người theo yêu cầu dẫn độ.

Trong vòng 12 giờ kể từ khi bắt, giữ người, cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt hoặc trả tự do ngay cho họ.

Về thẩm quyền điều tra, cơ quan điều tra trên địa phận nào sẽ điều tra tội phạm xảy ra tại nơi đó. Nếu tội phạm xảy ra ở nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được thì do cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi cư trú của bị can hoặc người bị bắt.

Như vậy, trong các trường hợp được nêu, không rõ ông Quý (người tố cáo ông Cường, Bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk) và vợ bị bắt, giữ trong trường hợp nào? Không có thủ tục mời người khác làm việc ngoài giờ làm việc của cơ quan công quyền.

Và trong trường hợp ông Quý, bắt vào buổi tối và tại địa phương (tỉnh) khác, sau đó lại giữ người từ đó cho tới nay, không biết là đã thực hiện dựa trên căn cứ nào và theo thủ tục nào của Bộ luật Tố tụng hình sự?

Phạm Toàn

MỜI XEM VIDEO: Tranh biện TT Mỹ 2020 – Trump: Tôi  đã trả hàng triệu đô tiền thuế thu nhập liên bang