Dù nhiều ngày đã qua kể từ Đại lễ Vu lan và Đêm hội hoa đăng Cát Bà năm 2019, thông tin về việc có tới 3 vạn đèn hoa đăng bằng nhựa được thả xuống biển vẫn đang gây nên nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn công chúng lo ngại về mối nguy môi trường khi hoa đăng phút chốc trở thành rác thải nhựa khó phân hủy. 

thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, lễ vu lan
30.000 hoa đăng được thả xuống biển Cát Bà, tối ngày 10/8. (Ảnh: catba.online)

Diễn ra vào ngày 10/8, Lễ hội hoa đăng và Đại lễ Vu lan Cát Bà 2019 nằm trong chuỗi sự kiện Lễ Vu lan và Lễ hội hoa đăng được thành phố tổ chức thường niên kể từ năm 2015. Sự kiện năm 2019 được tổ chức lớn hơn các năm trước với quy mô 3 vạn người, kèm theo 3 vạn bông hồng cài áo, 3 vạn hoa đăng thả đêm trên biển.

Sau các hoạt động như chương trình ca nhạc về Vu lan báo hiếu, hoài niệm về ngày Vu lan báo hiếu, ý nghĩa bông hồng cài áo, rửa chân tri ân cha mẹ, tụng kinh Vu lan báo hiếu, người hảo tâm tặng nhà tình nghĩa và quà…, Lễ Vu lan được nối tiếp bằng Lễ hội Hoa đăng với 3 vạn bông hoa đăng được thả xuống vịnh Lan Hạ, biển Cát Bà.

Nhưng ngay sau đó, chỉ một ngày sau sự kiện, hình ảnh rác thải là hoa đăng nhựa, mảng xốp theo sóng tấp vào bờ, phủ kín mặt nước trong vịnh Lan Hạ khiến nhiều người phải rùng mình tự vấn. Lần lại hình ảnh chuẩn bị cho sự kiện, người ta mới nhận ra 3 vạn bông hồng cài áo, 3 vạn hoa đăng thả đêm trên biển đều làm bằng nhựa hoặc có chất liệu nhựa, chưa kể hàng trăm mảng xốp tạo hình cho hoa đăng.

thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, lễ vu lan
Bát nhựa dùng một lần… (Ảnh chụp màn hình/VTV1)
thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, lễ vu lan
và đĩa nhựa dùng một lần được dùng để tạo cốt cho hoa đăng. (Ảnh chụp màn hình/VTV1)

Đâu đó trên mạng xã hội Facebook, người dùng còn lên tiếng lo ngại khi những bông hoa đăng, mỗi bông được gắn 2 viên pin tiểu để phát sáng. Nếu quả thực những bông hoa đăng sử dụng pin gắn trong đèn, khi chìm xuống nước, chúng sẽ tạo thành một hiểm họa môi trường khác, đáng sợ hơn nhiều với các loại kim loại nặng như chì, kẽm, niken, thủy ngân.

thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, lễ vu lan
Hoa đăng sau khi được thả chưa được thu gom kịp thời, trôi nổi trên vịnh Lan Hạ vào ngày 11/8. (Ảnh: Facebook)
thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, lễ vu lan
Hàng trăm hoa đăng, xốp tạo hình trôi nổi trong vịnh Hạ Lan cùng với nhiều loại rác thải khác như chai nhựa, can nhựa, bèo, gỗ… (Ảnh: Facebook)

Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc thả hoa đăng xuống biển, xuống sông đang là một dạng biến tướng của đạo Phật. Trên Tuổi Trẻ (25/8/2019), Thượng tọa Thích Tục Khang đã phản biện rằng việc thả hoa đăng trên biển là một phần quan trọng nối tiếp trong lễ hội Vu Lan báo hiếu vừa qua.

“Nói thêm về việc thả hoa đăng, thượng tọa Thích Tục Khang cho biết một trong những danh hiệu của Đức Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang. Nghĩa là hào quang của Ngài chiếu pháp mọi nơi, soi rọi đường cho chúng sanh bước ra khỏi sinh tử. Ngoài ra, trong Phật giáo còn có Phật Dược Sư cũng được gọi là Lưu Ly Quang Như Lai cũng cùng chung một ý nghĩa này. Trong kinh Dược Sư còn dạy cách đốt đèn cúng dường và cầu nguyện. […]

Trong ý nghĩa đó, việc thả đèn hoa đăng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau.

Thượng tọa Thích Tục Khang cũng cho biết tại huyện đảo Cát Hải, khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi dịp lễ Vu Lan báo hiếu đều thả hoa đăng, song những năm trước ít hơn, chỉ khoảng 1 vạn đèn và đều được thu gom sau đó.” (hết trích)

thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, lễ vu lan
“Nghi thức truyền đăng”. (Ảnh: catba.online)

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến bình luận đã để lại rằng: “Phật tại tâm”, nhắc lại lời dạy về tu tâm, dưỡng tính của Phật gia. Chỉ khi con người tự ước thúc bản thân mà chủ động  trừ bỏ những tâm tính xấu, ích kỷ, dục vọng… để trở nên tốt hơn về đạo đức và phẩm hạnh, khi đó mới là điều đúng đắn, là điều mà mỗi người nên làm. Có thể làm điều tốt, điều thiện ngay cả khi không có ai chứng kiến, không có ai ghi nhận, đó mới là thành tâm hướng Phật. Điều này khác với việc làm hữu vi. Thả hoa đăng hôm nay, liệu ngày mai gặp chuyện thiệt hơn, va chạm cự cãi trên đường, có ai tự nhắc rằng nguyện cầu hôm qua, mình đã hứa những gì?

thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, lễ vu lan
Những lời nhắc nhở về tốt-xấu được chuẩn bị tại sự kiện Lễ hội hoa đăng và Vu lan báo hiếu ngày 10/8. (Ảnh: FB Lễ hội Hoa đăng kính mừng Vu Lan Cát Bà 2019)
thả 3 vạn hoa đăng xuống biển, lễ vu lan
Những lời nhắc nhở về tốt-xấu được chuẩn bị tại sự kiện Lễ hội hoa đăng và Vu lan báo hiếu ngày 10/8. (Ảnh: FB Lễ hội Hoa đăng kính mừng Vu Lan Cát Bà 2019)

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, đại diện Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, Giám đốc Nguyễn Công Hòa xác nhận việc thả hoa đăng là có nhưng trong ngày hôm sau (11/8), các hoa đăng đã được thu gom lại chứ không như thông tin trên mạng xã hội cho rằng ban tổ chức để cho 3 vạn hoa đăng “lênh đênh”, trôi dạt ra biển gây ô nhiễm môi trường…

Theo ông Hòa, trước khi diễn ra chương trình đại lễ Vu Lan, phía bên ngoài vịnh đã được ban quản lý vịnh chuẩn bị hệ thống phao quây để ngăn các hoa đăng có thể trôi ra biển. “Việc thả hoa đăng theo cá nhân tôi thì đây cũng là nguyện vọng của không chỉ một mà là hàng ngàn, hàng vạn người dân. Vấn đề là cách chúng ta thực hiện làm sao để vừa thỏa mãn được tâm nguyện vừa giữ gìn được môi trường”, ông Hòa nói.

Có lẽ ông Hòa nói đúng, khi lược lại nhiều sự kiện tâm linh được tổ chức nhiều năm qua, như Lễ Phật đản, đêm rằm tháng Giêng, hay lễ hội Festival (Huế), hàng nghìn bông hoa đăng được chuẩn bị song vẫn không đáp ứng được cho tất cả người tới tham gia.

Trong Phật giáo có giảng về Phật tính, là khi con người xuất niệm hướng Phật, thành tâm muốn tu luyện, xả bỏ tâm tật xấu, thì ý niệm ấy như vàng kim lóe sáng, gây chấn động đến cả các cảnh giới cao hơn. Trong đêm hoa đăng, khi mỗi người dừng lại giữa những toan tính, lo lắng xuôi ngược, hướng tới một thế giới tư tưởng vô hình để thành tâm mong nguyện – đó cũng có thể coi như một loại thiện niệm. Có lẽ vì tính thuần khiết ấy mà việc thả hoa đăng tự động thu hút được nhiều người tham gia, hàn lấp phần còn thiếu về tín ngưỡng, tâm linh mà đời sống vật chất không thể nào bổ khuyết.

Nhưng cũng chịu ảnh hưởng bởi đời sống vật chất, từ các chất liệu truyền thống như giấy nến, cốt tre, do tiện dụng, hoa đăng dần được làm bằng cốt nhựa, cánh hoa là nilon màu, đế là mảng xốp hoặc đĩa nhựa, còn nến thì được thay bằng pin… Trân quý sinh mệnh không còn chỉ là việc trân quý sự sống của con người, mà còn là sự thành tâm đến vạn vật xung quanh. Cũng như con người không thể chất chứa mãi sự căng thẳng, vạn vật cũng cần được duy trì trong trạng thái tự nhiên, thuần nguyên.

Thiên nhiên không cất tiếng nói cho con người, nhưng có lẽ vì sự tồn vong của mình, con người cần phải tập cách lắng nghe thiên nhiên, dù điều ấy có muộn đi chăng nữa. Gần đây nhất, có lẽ mọi người đều chưa quên cảnh cơn lũ rác Cam Ly hàng ngàn tấn từ trên cao đổ ập xuống tạo thành một lớp dày đến 4-5 m, vùi lấp 7 ha đất, trong đó gần 1 ha vườn rau và hoa.

Đừng nói về mong nguyện được bình an, ngay cả sự hòa hợp đơn thuần nhất với tự nhiên, con người cũng còn chưa làm được. Như lời của Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, rằng sau đêm hoa đăng, các hoa đăng đã được thu gom, không còn trôi nổi trên biển. Những hoa đăng ấy, từ một thứ được nâng niu phút chốc hóa thành đồ sử dụng một lần, nếu như không còn nổi trôi trên biển thì cũng đang nằm tại một bãi rác nào đó, lộ thiên hoặc được đốt hoặc chôn lấp vào lòng đất, đợi hàng trăm năm phân hủy.

Sự an lành mà con người nguyện cầu, qua một đêm bỗng chốc đã hiện hữu thành mối nguy. Cũng như thiên nhiên không thể dung chứa nổi rác thải nhựa, thế giới thiện lành mà con người nguyện cầu, muốn hướng tới cũng không thể dung chứa nổi những tham, sân, si.

Lê Trai

Xem thêm: