Bộ Công an khuyến cáo người dân chuyển sang thẻ căn cước công dân gắn chip để sử dụng được thuận tiện, không phải mang theo nhiều loại giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính, thế nhưng, ngày càng nhiều vấn đề phát sinh gây rắc rối và mất thời gian của người dân.

thai nguyen sinh vien phai co so do cua chu nha tro moi duoc lam tam tru
Sinh viên đến đăng ký tạm trú tại Công an phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên). (Ảnh: baothainguyen.vn)

Thời gian vừa qua, truyền thông trong nước liên tục đưa tin về tình trạng người dân bị yêu cầu phải có giấy xác nhận thông tin cư trú khi đi làm các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Điều này khiến người dân thấy phiền hà, bất tiện, mất thời gian, chi phí. Thậm chí có trường hợp phải mất vài ngày đi lại, chờ đợi chỉ vì “giấy phép con” này.

Trước thực trạng đó, vào ngày 25/2, tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói:

“Các cơ quan không được yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận tình trạng cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính; phải khai thác thông tin cư trú từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau khi đã bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.”

Chỉ đạo là thế nhưng các địa phương thực hiện như thế nào lại là câu chuyện khác.

Đơn cử như tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, nhiều sinh viên theo học ở TP. Thái Nguyên phản ánh gặp phiền hà, nhiêu khê khi đi làm thủ tục đăng ký tạm trú vì bị yêu cầu nộp photocopy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của chủ nhà trọ và giấy phép xây dựng (GPXD).

Em Nguyễn Đức Q., sinh viên Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên, nói với Báo Thái Nguyên, ngày 2/3: “Em xin đăng ký tạm trú ở phường Hoàng Văn Thụ. Sau khi đã khai báo cư trú, phường yêu cầu phải có GCNQSDĐ và GPXD (bản photocopy có công chứng) của chủ nhà trọ. Chúng em đã đề nghị với chủ nhà trọ nhưng gần một tháng nay chưa được cung cấp, nên em chưa thể đăng ký tạm trú. Cũng vì lý do đó mà em bị nhà trường trừ vào điểm thi đua. Trong lớp em có đến 1/3 lớp (gần 20 trường hợp) như vậy”.

Còn em Bế N.H, sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Để đăng ký gia hạn tạm trú, em đã nhiều lần truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến nhưng đều không thực hiện được, có thể do nghẽn mạng. Có lẽ đợi khi chủ nhà trọ có bản photocopy GCNQSDĐ và GPXD em sẽ mang lên công an phường để làm thủ tục cho tiện”.

Về vấn đề này, ông H. – chủ một xóm trọ ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) cho rằng: “Để đăng ký tạm trú cho sinh viên mà yêu cầu phải xuất trình GCNQSDĐ và GPXD tôi thấy khá rườm rà, bất tiện. Gia đình tôi xây dựng phòng trọ cho sinh viên thuê đã rất nhiều năm, mọi giấy tờ thủ tục đều đầy đủ. Hơn nữa, những năm trước mỗi khi đăng ký tạm trú cho sinh viên đã nộp kèm lên phường, nhưng khi có sinh viên mới đến trọ lại phải làm từ đầu”.

Cùng quan điểm với ông H., nhiều người thắc mắc rằng có nhất thiết phải “xuất trình” GCNQSDĐ và GPXD của chủ nhà khi đăng ký tạm trú hay không? Bởi trước khi xây dựng, tất nhiên phải xin cấp phép và trong quá trình xây dựng, cán bộ địa chính – xây dựng phường, xã đều đã nắm bắt. Nếu có tình trạng xây dựng trái phép sẽ bị phát hiện, chính quyền lập biên bản xử phạt và bắt tháo dỡ. Ngoài ra, nhiều người vì những lý do khác nhau đã mang GCNQSDĐ thế chấp ngân hàng để vay vốn, nên mỗi khi cần lấy để photocopy công chứng rất khó khăn.

Đề cập đến vấn đề này, cũng trên báo Thái Nguyên ngày 2/3, một cán bộ công an nói: “Tình trạng xây dựng nhà, công trình trái phép trên đất nông nghiệp, đất sản xuất vẫn xảy ra tại một số địa phương. Bởi vậy, việc yêu cầu người đăng ký tạm trú cần chủ nhà cung cấp thêm GCNQSDĐ và GPXD nhằm để chứng minh đó là chỗ ở hợp pháp. Đồng thời ngăn chặn, phát hiện tình trạng xây dựng trái phép”.

Vậy nhưng, tại khoản 1, Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 quy định về điều kiện, hồ sơ đăng ký tạm trú gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Còn giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, tại Điều 5 Nghị định 62/2021 quy định: Khi người dân đăng ký tạm trú tại nơi thuê trọ cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu như văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà.

Như vậy, theo quy định trên thì không bắt buộc người dân thuê nhà phải cung cấp GCNQSDĐ khi làm thủ tục đăng ký tạm trú. Thay vào đó, người đi đăng ký tạm trú có thể xuất trình hợp đồng thuê nhà để chứng minh là đủ.

Còn theo bà Lê Thị Hồng Liên – Chủ tịch UBND phường Quang Trung, việc yêu cầu công dân khi làm thủ tục đăng ký tạm trú có nộp sổ đỏ, GPXD của chủ nhà trọ để địa phương quản lý công dân. Bà Liên cho rằng điều này giúp tránh tình trạng công dân khi đi làm tạm trú khai báo thông tin không trung thực về nơi ở, bà Liên nói với báo Lao Động, ngày 6/3.

Về việc lo sợ người dân khai báo không trung thực của vị lãnh đạo này, hợp đồng thuê nhà (phòng trọ) cũng đã có đầy đủ thông tin và xác nhận của chủ phòng trọ.

Bên cạnh đó, việc quản lý xây dựng và việc đăng ký tạm trú là hai việc cần tách biệt, không nên tạo ra nhiều nhiều thủ tục chồng chéo gây phiền hà cho người dân.

“Bắt người dân ra công an phường xin xác nhận cư trú là ‘hành dân’”

Luật Cư trú năm 2020 trong đó quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch hành chính, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Sau gần 1 tháng rưỡi chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy, nhiều người dân phản ánh bức xúc khi vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính.

Về việc này, báo chí nhà nước dẫn lời đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (giấu tên, Bộ Công an) cho biết, khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính là đúng.

Trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú, mà vẫn bắt công dân phải ra công an phường để xin giấy xác nhận cư trú là “hành dân”, là “gây khó dễ” cho người dân.

Theo báo Công an nhân dân, tại Hà Nội, đại diện Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an Hà Nội) cho biết còn cán bộ, công nhân viên chức ở UBND chưa nhận thức đầy đủ 7 phương thức thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Phần lớn trường hợp người dân ở Hà Nội phải đến công an phường để xin xác nhận thông tin cư trú có liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn, bởi nhiều người trong khoảng thời gian từ 18 đến 40 tuổi biến động chỗ ở, nơi cư trú, nên thông tin cư trú chưa thể hiện được hết, trong khi dữ liệu hộ tịch, tư pháp vẫn chưa được ngành tư pháp số hóa, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết trước khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, Cục đã có những hướng dẫn cách thức thay thế sổ hộ khẩu. Các bộ, ngành, địa phương và người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin công dân để thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, gồm:

  • Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
  • Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chíp.
  • Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.
  • Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính.
  • Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng).
  • Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
  • Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).

Bảo Khánh (t/h)