Thủ khoa duy nhất của Học viện Cảnh sát nhân dân không-đến-từ-tỉnh-miền-núi-phía-Bắc trong mùa tuyển sinh 2018” đã trở thành một chủ đề viết trong mùa tuyển sinh năm nay. Không còn được nhắc đến như một vùng đất đậm sắc thái văn hóa vùng miền, sự kỳ vĩ của thiên nhiên hay lịch sử lập đất từ cát cứ đến thống nhất, “tỉnh miền núi phía Bắc” trở thành chỉ dẫn địa lý để chỉ về những điểm thi không tử tế trong kỳ thi “2 trong 1” năm nay.

Nelson Mandela

Kỳ thi THPT quốc gia thường gọi là “2 trong 1” bởi điểm thi trong một kỳ thi chung vừa được dùng để xét đạt chuẩn tốt nghiệp, vừa được dùng để xét tuyển đại học. Tính hấp dẫn của tấm bằng đại học trong một xã hội trọng thành tích dẫn đến động cơ tiêu cực lớn. Khả năng can thiệp được bằng quyền lực càng khiến động cơ tiêu cực lớn hơn. Nếu kỳ thi chỉ với mục đích tốt nghiệp THPT, và nếu chuẩn vào đại học do các trường đại học tự quyết thì chắc những khe hở để tạo nên tiêu cực sẽ không có, ít nhất tại khu vực địa phương như hiện nay.

Nhưng không, sự lũng đoạn quyền lực đang xảy ra, và nó không chỉ khu biệt trong từng tỉnh. Chúng diễn ra liên tỉnh với những cái tên được nêu ra như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn…

Ngày 19/7, khởi tố vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang; ngày 26/7, khởi tố vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La; ngày 3/8, khởi tố vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình – một sự kiện học đường bị biến thành chuỗi án hình sự liên tỉnh đủ để thấy biến chứng của quyền lực quan chức trong học đường đang mạnh tới đâu. Đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, một bề nổi vô tình bị phát giác trong một kỳ thi với đề thi quá khó song điểm thi quá cao, thủ khoa tập trung lớn tại các tỉnh mà mục tiêu “thu hẹp khoảng cách’’ giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và thành phố, trong giáo dục nói riêng và đời sống nói chung, càng làm càng giãn rộng.

Sửa điểm tại Hà Giang, sửa bài thi, hủy bài thi gốc tại Sơn La, “tinh vi, xảo quyệt hơn” tại Hòa Bình – đó là gian lận liên tỉnh, theo “ngành ngang”. Còn “ngành dọc”?

Trong 6 thí sinh có điểm cao nhất các khối thi của Học viện An ninh Nhân dân, 3 thí sinh của Hòa Bình, 2 thí sinh của Lạng Sơn. Không có thí sinh Hà Nội, Nam Định hay Nghệ An. Trong tổng số 231 thí sinh trúng tuyển, có đến 156 thí sinh là lính nghĩa vụ, chiếm 61%, ngoài cộng ưu tiên 2,0 điểm đa số cộng thêm ưu tiên khu vực từ 0,25 đến 0,75 điểm.

Không chỉ có thí sinh điểm đứng đầu, Lạng Sơn còn có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân cao nhất nước với 23 thí sinh. Hòa Bình và Cao Bằng đồng vị trí thứ 2, mỗi tỉnh có 14 thí sinh. Thứ 3 là Hà Tĩnh với 15 thí sinh. Thứ 4 là Sơn La và Bắc Kạn, mỗi tỉnh 11 người. Hà Nội chỉ có 7 thí sinh đỗ Học viện An ninh Nhân dân.

Thủ khoa Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2018 là thí sinh Sơn La, thi tổ hợp C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử), tổng điểm 3 môn là 29,35 điểm (điểm ưu tiên 0,75). 3 thủ khoa ở 3 tổ hợp còn lại đến từ Hà Tĩnh, Điện Biên, Tuyên Quang, tổng điểm thấp nhất 28,2, sau khi đã cộng ưu tiên khu vực từ 0,25 đến 0,75 điểm.

Để tham khảo, điểm chuẩn vào Học viện An ninh thấp nhất là 24,2 điểm, cao nhất 26,1 điểm, còn Học viện Cảnh sát Nhân dân thấp nhất là 24,15 điểm, cao nhất 27,15 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong các nhóm ngành dao động từ 18 đến 25,35 điểm, của Đại học Bách Khoa TP.HCM từ 18 đến 23,25 điểm. Điểm chuẩn khối ngành y dược tại TP.HCM dao động từ 17 đến 24,95 điểm, giảm từ trên 4 đến trên 6 điểm so với năm ngoái. Ngay cả khi trừ tối đa điểm cộng 2,75, điểm chuẩn thấp nhất của các trường an ninh nói trên vẫn trên 21 điểm, cao hơn nhiều so với điểm chuẩn thấp nhất của trường thuộc top đầu về y dược, kỹ thuật.

Một nền giáo dục “tập quyền” trong tay Nhà nước, do Bộ Giáo dục thực thi đang bộc lộ những biến chứng không thể che đậy được nữa. Nơi mỗi cá nhân là một thực thể, mỗi trường đại học, cao đẳng, trường nghề là một thực thể với yêu cầu về tiêu chuẩn với tính sáng tạo khác nhau, thì một kỳ thi chung do Bộ ra đề, phân về địa phương, Sở tổ chức giám sát, coi thi, chấm thi, điểm gửi lại… trường đại học và cao đẳng để xét tuyển – cơ chế đó tự sinh thêm một biến chứng khác trong tệ tham nhũng điểm số.

Không còn chỉ là ném phao, giải đề, mà giờ đây sai phạm công nhiên hơn, nghiêm trọng hơn trên diện rộng: sửa điểm, sửa bài, hủy bài thi gốc. Chúng cuốn những công chức vào vòng xoáy lũng đoạn quyền lực. Nơi tương lai bị đánh cắp. Không chỉ của những người từng là thầy cô đang tra tay vào còng, mà là hàng ngàn những đứa trẻ khác đang được xỏ cho đôi giày nhiều gian dối. Lợi ích, đặc quyền, được trao cho ngay lúc này, nhưng nó lại cứ lấy đi của người ta nhân cách.

Dù tại mỗi quốc gia, Nhà nước cần quản lý xuyên suốt một số lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, quân đội, song ngoại trừ quân đội với đặc thù riêng, thì đối tượng đào tạo của y tế, giáo dục được mở rộng tới từng cá nhân. Cơ chế xét tuyển không chỉ khu biệt trong phạm vi chính sách mà cần mở rộng thành phương thức, không phải rập khuôn theo cơ chế mà cần vận động theo thị trường giáo dục, bao gồm từ tuyển sinh, tuyển dụng và đào tạo.

Hãy để cho các trường đại học lựa chọn phương thức tuyển sinh. Tương tự như những chứng chỉ chất lượng quốc tế (SAT, IELTS hay TOEFL) là một trong các tiêu chí để tuyển dụng nhân sự, việc thi tuyển đại học cũng có thể dựa vào những tiêu chuẩn riêng, với chứng chỉ năng lực riêng do thí sinh đạt được không chỉ trong một kỳ thi quốc gia chung. Điều này vừa tạo cơ hội tự chủ, linh hoạt của học sinh, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển sinh theo năng lực, tư chất thí sinh của các trường đào tạo.

Thi “2 trong 1”, về lý thuyết để giảm thiểu chi phí, áp lực xã hội. Nhưng vì hai mục tiêu của kỳ thi là khác biệt: một là xét đạt chuẩn tốt nghiệp THPT, tức có kiến thức cơ bản sau 12 năm học, và một là đạt chuẩn để tham gia cấp học cao hơn, nên một đề thi chung, một kỳ thi chung rất khó để đáp ứng được các yêu cầu. Thực tế, nó gây nên sự hỗn loạn dài hơi khi các trường đại học là nơi đào tạo song lại không có tiếng nói trong việc đưa ra tiêu chí tuyển sinh.

Giáo dục “tập quyền” là một nền giáo dục do nhà nước trung ương quyết định tất cả, và các cấp địa phương là bộ máy thừa hành. Chúng được tổ chức duy ý chí, nặng về tính nguyên tắc tổ chức hơn về giá trị đào tạo.

Khi “tập quyền” giáo dục cộng hưởng với một xã hội trọng thành tích và lũng đoạn quyền lực, rất khó để tìm ra mục tiêu đúng đắn của nền giáo dục, là xây dựng tính cách, phẩm chất, khát vọng, khơi dậy trí tuệ của thầy trò, của nhà trường và xã hội. Chúng chỉ giúp hình thành nên những nhóm tham nhũng, vốn từ lâu đã không chỉ dừng lại tiền bạc mà là tham nhũng chính sách, từng bước đưa toàn xã  hội vào guồng tha hóa.

Có ý kiến cho rằng vụ gian dối thi cử năm 2018 là bê bối giáo dục lớn nhất kể từ năm 1945. 73 năm, tương đương với thời gian trưởng thành của 4 thế hệ. Bê bối đang gây nên hệ lụy xã hội, ảnh hưởng tới hàng ngàn thí sinh thi nghiêm túc. Nhưng nó cũng có thể là cú hích thúc đẩy sự phản biện trong xã hội, tạo sức ép trong khi gợi hướng để cải sửa nền giáo dục.

Thay vì đuổi theo một mô hình thi cử – vốn là việc làm phần ngọn, cần xác định triết lý của nền giáo dục, mục tiêu của giáo dục cấp phổ thông, cấp dạy nghề và đại học ra sao. Chỉ khi đó mới có thể đưa ra chính sách/phương thức thi cử cho phù hợp, có giá trị đào tạo thay vì đuổi theo mục tiêu thành tích như hiện nay.

Thực tế đó cũng là việc mỗi cá nhân cần làm và có thể làm, thay vì thụ động chờ đợi những chuyển động cải cách ở tầm vĩ mô. Hơn ai hết, học sinh, giáo viên và phụ huynh là những người hiểu rõ những bế tắc của việc dạy, học, thi. Bê bối điểm thi tạo nên sự thức tỉnh lớn về nền giáo dục của quốc gia năm nay, có thể sẽ không bao giờ bị phát giác, nếu vì dè dặt, vì lo sợ, mọi thứ bị để rơi im lặng, và vô hình chung chúng giúp những điểm số vô lý được hợp thức hóa. Từ lâu sự im lặng thường bị nhầm lẫn với thái độ trung lập… Có lẽ không phải thế. Sự im lặng chỉ khiến những sai lầm trở nên nghiêm trọng hơn mà thôi.

Lê Trai

Xem thêm: