Nắng nóng tập trung nhiều ở khu vực trung du, Đồng Bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, riêng khu vực miền Trung nắng nóng có xu hướng kéo dài hơn so với khu vực ở Bắc Bộ.

nang nong
Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ có 2-3 đợt nắng nóng diện rộng trong tháng 7. (Ảnh: shutterstock)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong tháng 7/2019 (từ ngày 1-31/7), khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 1-2 xoáy thuận nhiệt đới.

Tại các tỉnh miền Bắc, hình thế thời tiết chủ đạo trong thời kỳ này chủ yếu là sự hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới hoặc các hình thế hội tụ gió ở mực trên cao tác động đến khu vực, do vậy có khả năng xuất hiện khoảng 3-4 đợt mưa diện rộng, riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu Đông Bắc và trung du Bắc Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.

Tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện khoảng 2-3 đợt nắng nóng diện rộng, tập trung nhiều hơn ở khu vực trung du, Đồng Bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, riêng khu vực miền Trung nắng nóng có xu hướng kéo dài hơn so với khu vực ở Bắc Bộ. Ngoại trừ đợt mưa có khả năng xảy ra trong khoảng những ngày đầu tháng 7 sẽ làm cho tình trạng khô hạn giảm phần nào ở khu vực Bắc Trung Bộ; sau đó các khu vực ở Trung Bộ lại quay trở lại tình trạng ít mưa và xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, do đó tình trạng khô hạn còn tiếp tục duy trì trên khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong khoảng thời gian tháng 7/2019.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam duy trì hoạt động ổn định, có khả năng mạnh hơn vào thời kỳ nửa cuối tháng 7, do vậy nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to trên khu vực.

Trên cả nước tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Thời kỳ từ ngày 1-10/7/2019: Trong khoảng các ngày từ 02 đến 05, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và phía bắc Trung Trung Bộ nhiều khả năng chịu ảnh hưởng của 1 áp thấp nhiệt đới và xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa (TLM) tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, phía bắc Trung Trung Bộ phổ biến từ 100-200mm, có nơi cao hơn 200mm, cao hơn TBNN khoảng từ 50-150%. Khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có khả năng cao hơn TBNN từ 20-50%. Khu vực phía nam Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn TBNN từ 10-30%. Khoảng ngày 6/7 Bắc Bộ và các các tỉnh Trung Bộ xảy ra một đợt nắng nóng diện rộng, nhiệt độ trung bình 10 ngày đầu tháng 7 phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.

Thời kỳ từ ngày 11-20/7/2019: TLM tại khu vực Nam Bộ xấp xỉ TBNN cùng thời, trong khi TLM tại các khu vực khác trên phạm vi toàn quốc có xu hướng thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-30%. Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ so với TBNN cùng thời kỳ.

Thời kỳ từ ngày 21-31/7/2019: TLM tại các khu vực trên cả nước có khả năng xấp xỉ cao hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ. Nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ với TBNN cùng thời kỳ.

Từ đầu tháng 6 đến nay, miền Trung liên tục nắng nóng, tâm điểm là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.

Tại Nghệ An, trong vòng 2 tuần giữa tháng 6 đã xảy ra liên tiếp 5 vụ cháy rừng mà một trong những nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thường xuyên dao động từ 37 đến 42 độ C.

Ngày 28/6, một vụ cháy rừng trên diện tích lớn đã bùng phát ở khu vực huyện Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) với tổng diện tích hơn 100 ha rừng thông, keo tràm. Hàng nghìn người đã được huy động để dập tắt đám cháy, phát quang đề phòng cháy lây lan. Đến hơn 9h tối cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt.

Cùng ngày, tại Đà Nẵng và Hà Tĩnh cũng xảy ra những vụ cháy rừng lớn, có thời điểm ngọn lửa bao trùm một đoạn đường dây 500 KV, nguy cơ tách đôi hệ thống điện Bắc và Trung-Nam.

Ngành điện đã phải cắt điện tại một số khu vực lân cận thuộc quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung đã dẫn đến nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến, khiến nhiều nơi không đáp ứng cung cấp điện cho người dân.

Vùng áp thấp có thể mạnh lên thành bão, trực tiếp ảnh hưởng tới Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ

Theo Trung tâm Dự báo Thủy văn Trung ương, hồi 7 giờ ngày 1/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,8-18,8 độ Vĩ Bắc; 113,5-114,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp ít dịch chuyển, sau đó dịch chuyển chậm về phía Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 02/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 13km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 03/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay trên phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo: Với việc hình thành, phát triển ngay trên Biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của vùng áp thấp/ATNĐ có khả năng mạnh thành bão sẽ rất phức tạp, có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 03-04/7.

bao anh may ve tinh
Vị trí, đường đi của vùng áp thấp. (Ảnh: nchmf)

Văn Duy

Xem thêm: