29.000 mét tài liệu tồn đọng được xác định từ năm 1945 đến năm 2020.

tai lieu ton dong thanh hoa
Thanh Hóa cần 300 tỷ đồng xử lý 29.000 mét tài liệu tồn đọng. (Ảnh minh họa: luutru.quangtri.gov.vn)

Báo Vnexpress hôm 8/3 dẫn lời ông Đỗ Văn Chính, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Thanh Hóa, cho biết tại 47 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các huyện thị, thành phố (chưa kể cấp xã, phường, thị trấn) đang tồn đọng hơn 29.000 mét tài liệu không được phân loại, bảo quản theo quy định của Luật Lưu trữ.

Theo ông Chính, dự kiến đến năm 2025, tài liệu tồn đọng tại các cơ quan nhà nước cấp huyện trở lên sẽ giải quyết xong.

Theo tính toán, các địa phương cần khoảng 304 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để chỉnh lý tài liệu tồn đọng và số hóa tại kho lưu trữ lịch sử tỉnh. Trong đó:

  • Dự toán kinh phí chỉnh lý tài liệu tại 20 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 27 huyện thị, thành phố hết hơn 256 tỷ đồng;
  • Dự án số hóa lưu trữ lịch sử hết hơn 47 tỷ đồng, gồm mua sắm nhiều trang thiết bị như máy chủ, phần mềm, nhân công, văn phòng phẩm.

Luật Lưu trữ 2011 quy định người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ, tổ chức lập hồ sơ, bảo quản và nộp lưu hồ sơ, tài liệu của đơn vị vào Lưu trữ cơ quan. Hồ sơ công trình thuộc nhóm A (công trình mang giá trị lịch sử quốc gia) sẽ được lưu trữ vĩnh viễn; tài liệu thuộc nhóm B thì bảo lưu theo tuổi thọ công trình; các công trình sửa chữa nhỏ nhóm C thì có thời hạn lưu trữ 20 năm.

Trong một diễn biến khác, Công an TP. Thanh Hóa vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thùy Linh (SN 1989, trú phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa), cán bộ làm việc tại Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông.

Theo công an, bị can Lê Thùy Linh bị khởi tố để điều tra về hành vi Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, do đã bán trộm 60 thùng hồ sơ, tài liệu cho người thu mua phế liệu với giá 9 triệu đồng.

Minh Long