Tỉnh Thanh Hóa hiện có tổng đàn trâu, bò khoảng 450.000 con, nhưng chính quyền phòng dịch chỉ mang tính đối phó, lơ là nên khiến dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lan nhanh, khó kiểm soát gây thiệt hại cho người dân.

viem da noi cuc thanh hoa
Dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò tại Thanh Hóa lan nhanh. (Ảnh: snnptnt.thanhhoa.gov.vn)

Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thanh Hóa thống kê từ 3/2 – 28/3, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 976 gia đình chăn nuôi thuộc 181 thôn, 54 xã của 11 huyện gồm Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nông Cống, Như Thanh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Xuân, Triệu Sơn và thị xã Nghi Sơn với 1.337 con trâu, bò mắc bệnh. 21 con buộc phải tiêu hủy.

Nhưng đến hôm 3/4, tổng số trâu, bò mắc bệnh đã hơn 2.000 con.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có tổng đàn trâu, bò khoảng 450.000 con. Do vậy, khi dịch bệnh lây lan sẽ khó kiểm soát và ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, đồng thời gây thiệt hại cho người dân.

Báo Thanh Niên hôm 6/4 cho hay ở một số nơi tại thị xã Nghi Sơn, chính quyền các phường Hải An, Tĩnh Hải… đã cho phun hóa chất diệt muỗi, ruồi, nhằm diệt vật chủ làm lây lan bệnh. Nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh đã được dựng lên để ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển trâu, bò ra vào tỉnh.

Thế nhưng, các biện pháp này chỉ được thực hiện sau khi người dân phản ánh với báo chí và buộc ông Lê Đức Giang, phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa phải đi thị sát.

Sau khi kiểm tra, ông Giang cho biết việc phòng dịch tại thị xã Nghi Sơn “chưa nghiêm túc, mang tính hình thức”.

Khi kiểm tra tại phường Hải An, ông Giang phát hiện “các chốt kiểm dịch tại đây đặt không đúng vị trí, không phù hợp, hoạt động hời hợt và mang tính đối phó; công tác phun tiêu độc, khử trùng không thực hiện theo quy định phòng chống dịch, khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường Hải An hoạt động thiếu sâu sát, không nắm vững các giá đình có dịch dẫn đến bị động trong phòng dịch”.

“Đó cũng là tình trạng chung trong phòng dịch bệnh tại thị xã Nghi Sơn thời gian qua”, ông Giang nhận định.

Đáng chú ý, tại huyện Yên Định, “có chủ tịch UBND xã còn không nắm được gia đình có trâu, bò nhiễm bệnh”, ông Giang nói và khẳng định “có thể thấy việc phòng dịch ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, là những nguyên nhân khiến bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế cho người dân”.

Ngoài việc “lơ là” thiếu trách nhiệm, dịch viêm da nổi cục lan rộng ở Thanh Hóa còn do các xã, phường thiếu cán bộ thú y.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn Nuôi Thú Y tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh đang có tới 65 xã, phường “trắng” cán bộ thú y nên rất khó khăn khi phòng các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Mặt khác, do không có người có chuyên môn nên khi có dịch bệnh, chính quyền lúng túng khi xử lý con vật bị nhiễm bệnh, hoặc thiếu người tiêm vắc-xin.

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, bệnh viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh da sần (tên tiếng Anh: Lumpy skin disease).

Đây là 1 bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus, cùng chi với virus gây bệnh Đậu trên dê, cừu.

Bệnh gây ra trên trâu, bò mọi lứa tuổi với các triệu chứng điển hình là các tổn thương trầm trọng trên da, niêm mạc hầu họng, đường hô hấp.

Đường truyền lây: Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, máng uống…

Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất.

Bệnh kéo dài gây suy nhược cơ thể, sụt giảm trọng lượng; sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai.

Bệnh không chỉ gây chết gia súc mà còn gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại.

Hoàng Minh

Hà Tĩnh tiêu hủy 20 con lợn mắc virus dịch tả lợn Châu Phi