Ông Lê Tiến Lam – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho rằng dự án thủy điện tại địa phương còn nhiều bất cập từ quy hoạch đến thi công, xây dựng khu tái định cư, ảnh hưởng tới sản xuất, cuộc sống của người dân. Do đó, thời gian tới cần rà soát, loại bỏ những dự án thủy điện hoạt động không hiệu quả.

le tien nam so cong thuong thanh hoa
Ông Lê Tiến Lam trả lời chất vấn tại kỳ họp. (Ảnh: baothanhhoa.vn)

HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021 tổ chức kỳ họp thứ 6 kéo dài từ ngày 9-11/7.

Tại kỳ họp, ông Lê Tiến Lam – Giám đốc Sở Công Thương đã giải trình việc quy hoạch dự án thủy điện trong tỉnh.

Ông Lam thông tin tỉnh hiện có 21 dự án thủy điện được quy hoạch đầu tư xây dựng, với tổng công suất 825 MW. Trong đó, có 6 dự án đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại, 7 dự án đang triển khai thi công, 8 dự án đang ở bước lập hồ sơ đầu tư để trình xem xét chấp thuận.

Đánh giá về các dự án thủy điện, ông Lam cho rằng việc quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện còn bộc lộ những bất cập, từ công tác quy hoạch đến quá trình thi công xây dựng khu tái định cư (TĐC), ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân, nhất là vùng ven sông, suối.

Bên cạnh đó, nhà nước chỉ nghiên cứu quy hoạch những thủy điện lớn trên những dòng sông chính, còn lại đa số các dự án thủy điện khác do doanh nghiệp tự bỏ kinh phí khảo sát. Vì vậy, dẫn việc quy hoạch các dự án thủy điện thiếu đồng bộ, chỉ chú trọng đến khai thác năng lượng.

Ông Lam cho hay khi đầu tư các dự án thủy điện sẽ làm mất đất sản xuất, giảm diện tích rừng, suy giảm nguồn sinh thủy, thay đổi dòng chảy của các con sông.

Hơn nữa, vào mùa mưa bão, các dự án thủy điện thực hiện xả lũ không đúng quy trình. Đồng thời, với dung tích hồ chứa lớn, các dự án thủy điện còn gây ra nguy cơ mất ổn định địa chất, dẫn đến sạt trượt, xói lở. Quá trình thi công các dự án thủy điện thường kéo dài trong nhiều năm, ảnh hưởng đến môi trường.

Đối với công tác bố trí, xây dựng các khu TĐC, các dự án thủy điện xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC chưa được đầy đủ. Diện tích nhà ở nhỏ, thiết kế nhà chưa phù hợp; đất sản xuất được bố trí ít và kém màu mỡ, không có chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Về giải pháp, Giám đốc Sở Công thương cho rằng cần tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá kỹ ảnh hưởng tác động môi trường – xã hội; loại bỏ quy hoạch các dự án có hiệu quả thấp ảnh hưởng nhiều đến đất đai, môi trường… Yêu cầu chủ đầu tư đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động ảnh hưởng, lập phương án sinh kế cho người dân; lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng để thực hiện. Tiếp tục bám sát, đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư khẩn trương thi công hoàn thành các khu TĐC để bảo đảm tiến độ di dân. Đối với các khu TĐC đã có người dân sinh sống, các chủ đầu tư phải có trách nhiệm đến đời sống của người dân, thường xuyên duy tu, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng xuống cấp, bảo đảm điều kiện sống của người dân nơi TĐC.

Kết luận nội dung trên, ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhận định những dự án thủy điện có công suất nhỏ cỡ 10 MW trở xuống không nên làm vì không kiểm tra được hết. Kể cả những dự án lớn, nếu rà lại không đảm bảo tiêu chí theo quy định của Bộ Công Thương, Chính phủ… cũng cần loại ra.

Ông Chiến cũng giao các sở, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát đời sống người dân ở các khu TĐC, trên cơ sở đó, đề nghị chủ đầu tư, các ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đời sống của người dân.Đồng thời, kiểm tra các khu TĐC các dự án mới để đánh giá chính xác, nếu không bảo đảm đời sống cho người dân thì cần tìm khu mới.

Kết quả kiểm tra cần hoàn thành và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh vào cuối tháng 7/2018.

Trần Tâm

Xem thêm: