Cơ quan điều tra (Bộ Công an Việt Nam) xác định thêm 10 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh giả do Trường Đại học Đông Đô cấp.

trường Đại học Đông Đô, Bộ Công an Việt Nam
Đại học Đông Đô. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Truyền thông nhà nước vừa dẫn kết luận điều tra bổ sung từ Bộ Công an Việt Nam cho biết, ngoài 193 người được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả, đến nay còn phát hiện thêm 10 cá nhân khác. Trong đó:

  • 5 người đã sử dụng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại Đại học Sư phạm Hà Nội;
  • 2 người dùng bằng giả để học nghiên cứu sinh ở Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM;
  • 3 người dùng bằng giả để học nghiên cứu sinh ở Học viện Cán bộ TP.HCM và Học viện Khoa học xã hội.

Ngoài ra, một trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để thi thăng hạng viên chức tại UBND tỉnh Thái Bình.

Như vậy, Đại học Đông Đô đã cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho 203 trường hợp. Trong số này, 127 văn bằng bị thu hồi, 24 trường hợp chưa nhận được bằng. Những người còn lại đã làm thất lạc hoặc tự tiêu huỷ.

Hiện danh tính của 203 trường hợp này cũng không được công bố, chỉ thấy báo chí trong nước viết: “Bộ Công an Việt Nam đã lập danh sách, cung cấp cho VKSND Tối cao (kèm theo hồ sơ vụ án) 203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả”.

Theo kết luận điều tra bổ sung, tổng học phí hệ văn bằng 2 tiếng Anh Trường Đại học Đông Đô đã thu hơn 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, trường chỉ cung cấp được danh sách 2.523 người (không có địa chỉ cụ thể) đã nộp hơn 18 tỷ đồng. Trong tiền đã thu, Đại học Đông Đô chi 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi, số còn lại phục vụ hoạt động chung của trường.

Với 203 trường hợp, nhà chức trách chỉ xác định được Trường Đại học Đông Đô đã thu hơn 2,6 tỷ đồng của 166 người.

Công khai danh tính những người mua bằng tại Trường ĐH Đông Đô: Nhiều ý kiến trái chiều

Trước đó hồi năm 2020, kết luận điều tra của Bộ Công an Việt Nam cho biết mặc dù “không học, không thi” nhưng tại Trường Đại học Đông Đô đã có 193 người được cấp bằng.

Trong đó, có 55 người sử dụng bằng giả để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sỹ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sỹ.

Tuy nhiên, danh sách những người sử dụng bằng giả không được công khai, khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

PGS.TS Hoàng Dũng hôm 1/12/2020 nói trên tờ RFA: “Một trong những điều khiến cho người dân tin rằng nhà nước quyết tâm giải quyết triệt để vụ này, là những người được cho là ‘có uy tín’ bỏ tiền ra mua bằng có được công khai danh tính hay không.

Tôi thấy không có lý do gì mà không công khai danh tính những người này. Mà nếu họ không công khai thì người dân bắt buộc phải đặt ra câu hỏi ai đứng đằng sau 55 người này. Và 55 người này chắc chắc không phải ‘dân đen’, bởi nếu ‘dân đen’ thì đã bị trị từ lâu. Những người này chắc có chức vụ gì đó nên họ không tiện công bố. Nếu vậy thì đây là cái thể chế đứng về phía những người có chức, có quyền chứ không phải đứng về phía công lý”.

Tờ Công an nhân dân dẫn lời PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục Việt Nam cho rằng: “Công bằng mà nói, trong câu chuyện này, người học đã chủ động bỏ tiền ra để mua bằng thật. Điều này cho thấy, những cá nhân này không phải là nạn nhân, mà họ chính là đồng phạm. Dù có biện minh bằng bất kỳ lý do gì thì đây cũng là những hành vi đáng xấu hổ, không thể chấp nhận được, nhất là với những người mang danh trí thức đứng trên bục giảng”.

Theo tiến sĩ Vũ Thế Dũng, người sáng lập và điều hành Thinking School, nói trên tờ Thanh Niên: “Công khai danh tính trong thời điểm này có thể cần thiết. Nếu vấn nạn rất lớn của quốc gia hiện nay đang là chuyện mua bán bằng, thăng quan tiến chức bằng bằng giả… thì công bố danh tính người mua bằng cũng là một trong những giải pháp nên được cân nhắc”.

Tuy nhiên, theo viện trưởng một học viện về giáo dục tại TP.HCM, có 3 góc độ cần suy xét là pháp luật, đạo lý và tính nhân bản.

“Đầu tiên cần xem xét quy định của pháp luật đối với việc này như thế nào thì phải thực hiện như vậy. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét thêm về đạo lý trong việc trừng phạt những người mua bằng này như thế nào. Bởi vì trong cuộc đời đôi khi đưa một người phạm sai lầm vào tù thì người đó không “tàn đời”, nhưng nếu danh tính bị đưa ra công khai có thể khiến họ “tàn đời”.

Việc xử lý thật nghiêm khắc người bán bằng là chuyện cần thiết phải thực hiện. Tuy nhiên, trừng phạt người mua bằng ra sao là chuyện đáng để cân nhắc kỹ lưỡng. Sẽ có cách trừng phạt hợp tình hợp lý mà không đưa một người hoàn toàn đến ngõ cụt của cuộc đời”, vị này nói.

PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an Việt Nam) cho rằng, công khai danh tính những người mua bằng tại Trường ĐH Đông Đô là việc nên làm, song việc công khai đến mức độ nào cần phải tính toán để đảm bảo “thấu tình đạt lý”.

“Việc công bố công khai danh tính chỉ nên thực hiện trong cơ quan, không nên công khai rộng rãi trên báo chí. Điều này một mặt vừa đảm bảo tính nghiêm minh nhưng đồng thời cũng không đẩy người ta vào đường cùng. Đây có thể gọi là công khai một nửa, đúng mức và vừa phải”, ông Cương nói.

Liên quan đến vụ việc, Bộ Công an Việt Nam đã đề nghị truy tố 10 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Trường Đại học Đông Đô về tội “giả mạo trong công tác”.

Các bị can gồm:

  • Dương Văn Hòa, sinh năm 1983, cựu hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô;
  • Trần Kim Oanh, sinh năm 1978, cựu phó hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô;
  • Lê Ngọc Hà, sinh năm 1978, cựu phó hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô;
  • Trần Ngọc Quang, sinh năm 1962, cựu phó trưởng phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên Trường ĐH Đông Đô;
  • Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1986), cựu trưởng phòng tài chính, kế toán Trường ĐH Đông Đô; Phạm Vân Thùy (sinh năm 1981), Lê Thị Thanh Tâm (sinh năm 1983), Nguyễn Thị Ngọc Thái (sinh năm 1988), Ngô Quang Hiển (sinh năm 1978) và Lê Thị Lương (sinh năm 1996), cùng là cựu cán bộ Trường ĐH Đông Đô.

Riêng bị can Trần Khắc Hùng (48 tuổi) là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Viện trưởng Viện đào tạo liên tục, Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển công nghệ 4.0 đang bỏ trốn.

Làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT

Theo cơ quan điều tra, trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên từ năm 2015, Bộ này đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của Đại học Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Cơ quan An ninh điều tra xác định các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Giáo dục đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Đại học Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 trong khi trường chưa được phép đào tạo, là vi phạm quy định.

“Những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý”, Bộ Công an cho hay.

Hoàng Minh

55 người đã sử dụng bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để làm tiến sỹ