Ngày 15/8 tới là hạn cuối của gói hỗ trợ tiền thuê nhà 6.600 tỷ đồng cho công nhân (mức hưởng 500.000 đồng và 1 triệu đồng/người/tối đa 3 tháng). Tuy nhiên, tính đến ngày 2/8, chỉ khoảng 1/3 số hồ sơ đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ được giới chức các địa phương phê duyệt.

ho tro tien thue tro
Xóm công nhân trên đường Tây Lân (quận Bình Tân, TP.HCM) nhận thực phẩm cứu trợ sau khi 2 nữ công nhân vượt qua rào phong tỏa đi tìm đồ ăn, Sài Gòn dịch COVID-19, tháng 9/2021. (Ảnh chụp màn hình video/Phong Bụi/Facebook)

Theo số liệu cập nhật của Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến ngày 2/8, chỉ 1,2 triệu lao động (thuộc 17.356 doanh nghiệp) được các địa phương duyệt hồ sơ.

So với tổng số 3,14 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc đã được BHXH Việt Nam xác nhận hồ sơ, số lao động được duyệt chi hỗ trợ tiền thuê nhà trọ chỉ chiếm gần 38%, trong khi thời hạn nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ sẽ kết thúc vào ngày 15/8 tới.

Với hai mức hỗ trợ, BHXH Việt Nam cho hay tổng cộng 2.957.609 lao động tham gia BHXH bắt buộc đã được xác nhận để nhận mức hỗ trợ tiền thuê nhà trọ là 500.000 đồng/người/tháng; 174.529 lao động quay trở lại thị trường lao động được duyệt mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra ngày 3/8, báo cáo về tiến độ triển khai hỗ trợ nhà ở cho người lao động trong chương trình phục hồi sau đại dịch, trị giá 6.600 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung xác nhận mới có 1,2 triệu lao động được phê duyệt hồ sơ  hỗ trợ. Trong khi dự kiến có khoảng 3,4 triệu người lao động thuộc diện hỗ trợ, theo đề xuất của các địa phương.

Với gần 1,2 triệu người lao động nói trên, kinh phí được phê duyệt là 760 tỷ đồng (do UBND cấp tỉnh, cấp huyện tại 51/63 địa phương phê duyệt), chiếm 11,5% trong tổng số kinh phí 6.600 tỷ đồng.

Có 31 địa phương đã giải ngân cho trên 620.000 lao động với số tiền 356 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 5,4% so với nhu cầu dự kiến – 6.600 tỷ đồng.

Có 29 địa phương tính đến ngày 2/8 “chưa giải ngân được đồng nào”, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đông Tháp, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Gói an sinh trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3,4 triệu người lao động được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định 08, vào tháng 3/2022, theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, sau liên tiếp nhiều gói an sinh đạt hiệu quả “nhỏ giọt” trong các năm 2020, 2021.

Hai nhóm thụ hưởng gồm (1) người có hợp đồng lao động, đóng BHXH, đang làm việc trong doanh nghiệp và (2) người quay lại thị trường lao động, làm tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm.

Nhóm 1 nhận mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người; nhóm 2 nhận mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người; chỉ được hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng, thời hạn không quá 3 tháng. Thời gian triển khai chính sách từ ngày 1/4 đến hết ngày 15/8/2022.

Lý giải về tiến độ giải ngân quá chậm nói trên, Bộ trưởng Dung nói do một số địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương còn thờ ơ, “khoán” cho cấp dưới, cho ngành lao động, cho doanh nghiệp; doanh nghiệp sợ trách nhiệm, không dám xác nhận và lập hồ sơ đề nghị cho người lao động; một số văn bản được ban hành chậm; một số đơn vị tự bổ sung thêm giấy tờ (như hợp đồng thuê nhà, giấy tạm trú, tạm vắng…) không đúng quy định; người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục.

So với mốc cập nhật ngày 2/8, chỉ còn chưa đầy hai tuần là đến hạn cuối nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ (trước ngày 15/8), chưa đầy 2 tháng đến hạn chi trả tiền hỗ trợ (hoàn thành trước ngày 30/9).

Việc hết thời hạn sẽ kéo theo gần 2 triệu lao động đã được duyệt hồ sơ (so với con số 3,14 triệu hồ sơ đã được BHXH Việt Nam duyệt), hay 2,2 triệu lao động cần được hỗ trợ (so với con số 3,4 triệu lao động thuộc diện cần hỗ trợ do địa phương đề xuất) không được chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà theo quyền lợi thụ hưởng.

Tại cuộc họp ngày 3/8, ông Dung cho hay mục tiêu được giao là giải ngân xong trước ngày 15/8, nhưng giờ tốc độ rất chậm. Có thể không đảm bảo thời hạn, nhưng tháng 8 cũng phải giải ngân xong.

Người dân thì khổ, tiền thì đã về địa phương…”, ông Dung nói khi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, báo Đầu Tư Online dẫn lời.

Trong một buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 27/5, trước tình trạng giải ngân gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động quá chậm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh thừa nhận không nên để người lao động chán nản rồi nghĩ “lên tivi nhận”, khẳng định “tiền không thiếu, quan trọng là đừng bỏ sót ai”.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào tháng 6/2021 cho hay không có doanh nghiệp nào tiếp cận được chính sách hỗ trợ người lao động hay vay để trả lương cho người lao động thất nghiệp (gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động chỉ giải ngân được 0,26%, tính đến tháng 5/2021).

“Rất nhiều doanh nghiệp trả lời là muốn hỏi những chính sách hỗ trợ thì lên tivi”, ngay tại những thị trường du lịch lớn như TP.HCM, cũng hầu như không có hướng dẫn viên du lịch tiếp cận được chính sách này, ông Tuấn nói trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Cần lưu ý, tại cuộc họp báo ngày 30/3 của Bộ LĐ-TB&XH, Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho hay ước tính có khoảng 2,2 triệu lao động đã “tháo chạy” khỏi các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam về quê trong hai đợt di chuyển lớn xảy ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021 và đầu tháng 10/2021.

Trong khi đó, theo số liệu cập nhật của BHXH Việt Nam, chỉ có 174.529 lao động thuộc nhóm quay trở lại thị trường lao động trong số 3,14 triệu hồ sơ được duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. Con số trên cho thấy khoảng cách giữa số lao động thực tế phải “tháo chạy” so với số lao động quay trở lại làm việc và được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà “xa vời” ra sao.

Nguyễn Minh