Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến năm 2020 bỏ thi quốc gia, các trường đại học, cao đẳng tự tuyển sinh, còn kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào tháng 8 tới.

vnu
Các trường đai học, cao đẳng sẽ tự tuyển sinh trong năm 2020. Ảnh: Tòa nhà điều hành của trường Đại học Quốc gia Hà Nội (quận Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: vnu.edu.vn)

Thi để chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông

Ngày 21/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ GD-ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia giáo dục,… về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Theo phương án đề xuất của Bộ GD-ĐT, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, kỳ thi THPT sẽ diễn ra vào tháng 8/2020. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tinh giản nội dung chương trình, đẩy mạnh việc dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình.

Tên gọi của kỳ thi năm nay sẽ là “kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020” thay vì “thi THPT quốc gia” như trước. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục tiêu chính là công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề thi thống nhất trong toàn quốc (1 đề chính, 1 đề dự phòng); với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng. Các UBND tỉnh, thành phố  sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thi, gồm quản lý đề, in sao đề, coi thi, chấm thi, công bố kết quả…, trong đó Hội đồng thi của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, in sao đề thi.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm. Bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy; các bài thi tự luận do các địa phương tổ chức chấm như những năm trước.

Việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở GD-ĐT; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ GD-ĐT.

Tại cuộc họp, các bên liên quan nhắc đến nguyên tắc của thi tốt nghiệp THPT là “học gì, thi nấy”, có tính đến việc giảm tải nội dung (giảm độ khó, độ phân hoá của đề thi) cho phù hợp với hoàn cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

Trước đó, ngày 3/4, Bộ GD-ĐT công bố chi tiết đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020 của 14 môn thi, gồm môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Đây là đề thi tham khảo dựa trên chương trình tinh giản do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đại học, cao đẳng tự ra phương án tuyển sinh

Năm nay, các trường đại học, cao đẳng sẽ chủ động phương thức tuyển sinh, không dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.

Theo Bộ GD-ĐT, những năm gần đây, chỉ có khoảng 10% các trường tốp trên hình thành nhóm có tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng hoặc sử dụng các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển. Các trường còn lại kết hợp xét tuyển qua học bạ và căn cứ kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đầu vào.

Trong năm nay, các trường có thể chủ động thi tuyển theo nhiều đợt, bằng nhiều hình thức nên sẽ hạn chế được tình trạng thí sinh và gia đình tập trung về các thành phố lớn.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể  để các trường tổ chức tuyển sinh.

Hiện nhiều trường đại học đã công bố phương án tự tuyển sinh trong năm 2020. Trường Đại học Quốc gia Hà Nội dự tính thí sinh sẽ được sơ loại theo kết quả học tập bậc THPT; xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ A-Level, SAT, IELTS); trước ngày 30/5, trường sẽ thông báo chi tiết về việc đăng ký và điều kiện dự thi.

Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phải tiếp tục cách ly xã hội đến tháng 8/2020, ĐHQG Hà Nội sẽ xem xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.

Trường ĐH Ngoại thương dự kiến sẽ tổ chức đăng ký trên hệ thống xét tuyển online từ ngày 1/6. Trong trường hợp không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung tương tự bài thi của THPT quốc gia.

Có 4 phương thức tuyển sinh, trong đó giữ nguyên phương thức xét tuyển học sinh hệ chuyên, trường chuyên và xét tuyển thẳng; hai phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia sẽ được thay bằng xét tuyển dựa trên kết quả thi theo tổ hợp xét tuyển của nhà trường.

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho hay trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2020 sẽ bổ sung phương thức xét tuyển học bạ cho chương trình chất lượng cao và chương trình quốc tế song bằng.

Trường ĐH Mở TP.HCM điều chỉnh phương thức xét tuyển học bạ từ 6 học kỳ xuống còn 5 học kỳ (trừ học kỳ II lớp 12).

Nguyễn Sơn