Trưa 31/7, anh Trần Vương, thành viên Câu lạc bộ xe bán tải TP Đà Nẵng viết vài dòng vỏn vẹn: “Đã xoá hết status. Tắt máy đi ngủ… Tối nay lại theo việc”. Anh Vương chọn không ồn ào để lấy không gian cho những việc cứu trợ đang cùng mọi người làm.

Nhưng, đằng sau con chữ ấy chứa đựng câu chuyện dài về một em bé 9 ngày tuổi theo mẹ chưa cắt chỉ khâu, theo cha cầm lái chạy hơn ngàn cây số để về quê khi cái khó đã dồn đến đường cùng.

chau be 9 ngay tuoi 4
Anh Vương bên con nhỏ 9 ngày tuổi khi dừng chân nghỉ đợi xe do mọi người trợ giúp. (Ảnh: Vương Trần/Facebook)

Chiếc xe 3 ngày chạy hơn 1.000 cây số, thì chết máy hẳn. Theo lời anh kể lại, vợ chồng anh là người dân tộc thiểu số ở Nghệ An, là công nhân một nhà máy làm tủ gỗ ở Bình Dương.

Dù không có ca mắc COVID-19 nhưng công ty đã đóng cửa gần 2 tháng qua. Cầm cự trong cảnh thất nghiệp chưa đầy một tháng, hai vợ chồng dự tính phải về quê.

Nhưng vì vợ mang bầu sắp đến ngày sinh nên cả hai đành phải ở lại. Tuần rồi, vợ anh sinh được bé trai 2,6kg, cả nhà ở trong viện 4 ngày sau đó ra viện.

“Mấy tháng nay ở nhà lo cho vợ sinh nở nên đã tiêu hết tiền tiết kiệm. Tôi bàn với vợ phải về vì không biết dịch kéo dài tới bao giờ. Anh em xung quanh ai cũng về quê nên hai vợ chồng gói đồ luôn, dọc đường đi có gì ăn nấy” – anh Xô kể với người bên báo Tuổi Trẻ qua điện thoại.

chau be 9 ngay tuoi
Chị Phùng A Tranh (vợ anh Xô) bồng con khi xuống nghỉ chân ở trạm Đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum), ngày 30/7. (Ảnh: Dũng Nguyễn Quân/Facebook)
chau be 9 ngay tuoi 1 1
Cháu bé rất ngoan trong vòng tay mẹ. (Ảnh: Dũng Nguyễn Quân/Facebook)

Anh Xô cho biết 3 ngày trước (tính ngược lại là ngày 28/7), vợ chồng anh quấn con trong khăn rồi xuất phát cùng đoàn hơn 50 người về quê bằng xe máy. Đi chung chuyến có anh trai và chị dâu. Nhưng rồi đoàn đông quá nên hai vợ chồng lạc mất anh chị. Còn chiếc xe thì nhiều lần bị hư nhông phải dừng lại sửa dọc đường.

Tính đến rạng sáng 31, khi đi được 3 ngày, em bé mới 9 ngày tuổi. 6 ngày tuổi – chọn bồng con về, không ai hình dung nổi nỗi day dứt trong túng bấn của người làm cha làm mẹ khi ấy.

“Thương con lắm chứ nhưng mà dừ điều kiện không còn đủ…” – một người thuật lại lời anh chị khi bắt gặp ở trạm dừng chân Đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum), hôm 30/7.

Anh Trần Vương (thành viên Câu lạc bộ xe bán tải TP Đà Nẵng) kể giữa khuya anh nhận được tin từ người quen có cháu bé sơ sinh được cha mẹ đưa về quê bằng xe máy. Cả nhóm bám trụ cả đêm, mong gặp để giúp, nhưng trong đêm tối, đoàn người quá đông nên không tìm được. Cuối cùng, mọi người phải nhờ đến CSGT gọi bằng loa, tới 2h45 sáng mới tìm gặp được.

chau be 9 ngay tuoi 7 1
Em bé ngủ ngon lành trong bọc áo, sau 3 ngày qua hơn ngàn cây số. Ánh mắt người mẹ khi ngắm con đang say ngủ. (Ảnh: Vương Trần/Facebook)

“Em bé được quấn trong chiếc áo da, nằm ngủ ngon lành. Nhìn bé rất tội nghiệp vì mới có 9 ngày tuổi đã phải dầm dãi cả ngàn cây số ngoài đường. Ba mẹ em thì mắt đỏ ngầu vì chạy xe máy. Mẹ em sinh mổ xong còn chưa cắt chỉ…”, anh Vương kể. “Hình dung ra đoạn đường anh chạy xe máy đưa con về tới Nghệ An mà rùng mình. Cuối cùng chúng tôi quyết định giữ cả nhà lại tới sáng để thuê xe đưa cả nhà về quê”, theo các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong.

Anh Vương cho hay mọi người góp tiền thuê xe và còn cho thêm anh Xô 3 triệu đồng làm lộ phí. Còn chiếc xe máy, anh Vương giữ lại đem đi sửa, hứa hết dịch sẽ gửi ra quê.

chau be 9 ngay tuoi 10
Chị Tranh bồng con lên xe. Chuyến xe đưa 2 gia đình với 3 cháu nhỏ về nhà để tránh nguy hiểm dọc đường. (Ảnh: Vương Trần/Facebook)

Đi cùng chuyến xe với vợ chồng anh Xô còn có 2 vợ chồng quê Quảng Bình có 2 con nhỏ, một cháu 7 tháng tuổi, một cháu mới 1 tuổi rưỡi. Cả hai cũng cùng đoàn chạy xe từ Bình Dương cùng với vợ chồng anh Xô.

“Chuyến này vợ chồng em về quê luôn, về quê có gì ăn nấy” – anh Xô cho hay.

Về phần anh Vương và Câu lạc bộ xe bán tải TP Đà Nẵng, đêm nay mọi người đã chuẩn bị từng phần lớn sữa, nước, bánh ngọt…, đợi tiếp cho hàng trăm người trong những đoàn xe mỏi mệt đang gắng chạy xuyên đêm để trở về nhà.

Minh Sơn

Xem thêm:

Sài Gòn bao thương: “Các cô đừng cho nhiều quá, người khác không có phần, tội nghiệp”