Sau hơn 10 ngày công bố, dịch tả lợn châu Phi (African swine fever-ASF) đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phố ở phía Bắc. Bệnh có nguy cơ lây lan rất cao, đe dọa ngành chăn nuôi khi tỷ lệ chết đối với lợn mắc bệnh lên đến 100%.

thiet hai do dich ta lon chau phi trinh muc den bu len 70 gia thi truong 1
Một điểm tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng. (Ảnh: mard.gov.vn)

Ngày 4/3, tại hội nghị trực tuyến khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngày 1/2-3/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương.

Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy tiếp tục tăng cao, từ 2.349 con (tính đến hết ngày 27/2) lên 4.231 con (tính đến ngày 4/3). Tổng trọng lượng tiêu hủy tăng 1,7 lần, từ hơn 172,5 tấn lên hơn 297 tấn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tại các địa phương, các biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng, như tiêu độc khử trùng, phun vôi bột và tiêu huỷ khi có lợn mắc dịch. Mặc dù vậy việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn do mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, khó khăn. Hiện ngành chăn nuôi có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ.

Bộ NN&PTNT cho rằng, giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá thị trường. Vì vậy, Bộ đề xuất cần hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt; đồng thời đề xuất bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi; kinh phí hỗ trợ lấy từ quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay dịch tả châu Phi hiện đang có mặt tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc có tới 110 ổ dịch, 28 tỉnh, thành phố có gần 1 triệu lợn bị tiêu huỷ. Mông Cổ có 10 ổ dịch tại 6 tỉnh. Nga bị thiệt hại gần 1 tỷ USD do dịch bệnh này. Hiện nay, dịch bệnh đã lan sang nhiều nước ở châu Âu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý dịch tả lợn châu Phi chỉ gây bệnh trên lợn, không lây trên người, nhưng các hình thức lây khá đa dạng như vận chuyển, tiếp xúc, thức ăn, nước uống, vật tư, động vận trung gian…

dich ta lon chau Phi
Bản đồ phân bố dịch tả lợn châu Phi tại Đông Âu, tháng 8/2018. (Nguồn: Department for Environment, Food and Rural Affairs; Animal and Plant Health Agency; Advice Services – International Disease Monitoring)

Bệnh dịch gây thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi do tốc độ lây rất nhanh nên nguy cơ thiệt hại rất lớn. Lợn mắc bệnh không điều trị được, tỷ lệ chết lên đến 100%. Virus gây bệnh có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm từ thịt lợn, lan truyền qua không khí, thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển…

Việc ngăn chặn dịch bệnh, xử lý gặp khó khăn do hệ thống biên giới dài, đường mòn lối mở nhiều, kiểm soát khó, hoạt động thương mại dịp Tết tăng nhiều. Hơn nữa lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam lớn, dịp Tết hoạt động thương mại gia tăng, hoạt động giết mổ vận chuyển tăng, giá lợn cao, do đó không ít người dân không tự giác, khi lợn ốm chết vẫn đem bán tận dụng“, ông Tiến nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra 2 bất cập hiện nay trong triển khai phòng chống dịch. Thứ nhất, việc vừa thực hiện nhập các đơn vị tại các huyện, dồn thú y với bảo vệ thực vật là một trung tâm dịch vụ khiến lực lượng giám sát dịch bệnh khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức phòng chống dịch nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng…

Thứ hai, theo Nghị định 02, mức đền bù là 38.000 đồng, nhưng ở nhiều địa phương lại thực hiện đền thấp hơn, trong khi đó thủ tục tương đối phức tạp nên nhiều tháng sau mới thu được tiền. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình bán chạy chui, gây ra dịch bệnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ sửa Nghị định 02/2017/NĐ-CP theo hướng đền bù giá bằng 70% giá trị trường.

Nhưng phải cải cách thủ tục hành chính, tính giá đền bù sao cho cho người dân tự giác, tự báo tiêu huỷ, nếu rẻ quá thì sẽ không hỗ trợ thiệt hại được cho dân. Hiện Chính phủ đang làm quy định thủ tục”, người phát ngôn Chính phủ nói.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.

Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn. Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thông báo ghi nhận 8 ổ dịch tả lợn châu Phi tại một số hộ chăn nuôi thuộc tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

Do đặc điểm không có thuốc điều trị, tỷ lệ chết cao, dịch bệnh có nguy cơ tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người chăn nuôi, cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.

Cục Y tế dự phòng khẳng định dịch bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người.

Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, tồn tại lâu dài trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, thịt nguội…

Ngày 15/2, Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan (Council of Agriculture-COA) họp báo cho biết phát hiện virus ASF trong một chiếc bánh mì kẹp thịt lợn của một hành khách người Đài Loan, đi từ TP.HCM sang Đài Nam vào ngày 5/2. Theo đó, từ ngày 16/2, hành lý của hành khách từ Việt Nam vào Đài Loan sẽ qua kiểm tra toàn bộ, bao gồm hành lý ký gửi và xách tay. Biện pháp này sẽ áp dụng đến khi có thể xác nhận rằng không có dịch ASF tại Việt Nam.

Nguyễn Quân

Xem thêm: