Qua tài khoản trên mạng xã hội Facebook, anh Nguyễn Ngọc Mạnh chia sẻ một clip cho hay mình đã không hoàn toàn đỡ được cháu bé khi sự việc xảy ra quá đột ngột. Thời gian từ khi anh leo tường vào mái tôn và đỡ cháu bé rơi xuống chỉ 40 giây.

Một clip ở góc khác cho thấy anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã rất nỗ lực khi cố gắng cứu em bé. (Nguồn: Facebook)

Khuya 2/3, chia sẻ lại một bài đăng trên trang Facebook cá nhân, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội) cho hay một góc quay ghi lại từ camera an ninh cho thấy anh đã không hoàn toàn đỡ được cháu bé.

Tính tới hiện tại, đây là góc quay cận cảnh nhất cảnh anh Mạnh cứu bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A của tòa chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, xảy ra vào khoảng 17h30 chiều 28/2.

Đoạn clip ghi lại từ cảnh anh Mạnh leo qua bờ tường, rồi bám vào cột sắt để leo lên mái tôn. Trong khi vừa ngước nhìn về hướng ban công để đoán hướng rơi của cháu bé, anh vừa di chuyển và bị trượt ngã do mái tôn trơn dốc. Ngay lúc anh trượt ngã, anh vẫn cố vươn người và ngẩng đầu nhìn lên. Cháu bé rơi xuống với tốc độ cao, anh Mạnh cố gắng giơ tay ra đỡ.

Hình ảnh ghi lại cho thấy cháu bé rơi với lực rơi rất mạnh. Cháu bé rơi đè vào tay anh, đập vào mái tôn, nảy lên và rơi sấp người xuống. Anh Mạnh bò lên lao về phía bé, ôm ngửa bé vào lòng rồi tìm cách đưa xuống phía dưới.

Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 40 giây. Khi này phía ngoài tường có vài người chạy tới tìm cách trợ giúp.

Chia sẻ lại clip trên, anh Mạnh viết thêm trên trang cá nhân: “Đây là một video mà mình mới nhận được. Thông qua video mọi người đều thấy được mình không hoàn toàn đỡ được em bé, sự việc xảy ra quá đột ngột, mình đã không nhớ rõ được hết các chi tiết. Thành thật mong mọi người thông cảm”.

Trước đó, khi phỏng vấn vào chiều 1/3 trên Kenh14, anh Mạnh có nói: “Tôi cố gắng chỉ có thể chặn được một phần lực, không để cháu nảy ra ngoài một lần nữa để rơi xuống đất. Khi tôi đứng dậy được, tôi đã ôm chặt lấy cháu rồi chuyển xuống phía dưới đưa đi cấp cứu”, anh nói.

Anh nói điều anh ân hận nhất là không thể ôm cháu vào lòng khi cháu rơi xuống, chỉ có thể đỡ được đầu cháu bằng tay. Tay phải của anh bị bong gân, cử động nhẹ sẽ không đau nhưng tạm thời chưa thể bốc đồ hay đón khách.

Trước chia sẻ của anh Mạnh, nhiều người cho rằng lực đỡ tay của anh đã giúp giảm va chạm, bảo vệ tính mạng của cháu bé. May mắn, cháu chỉ bị trật khớp háng, không bị tổn thương não, ngực… Tài khoản Nam Minh Phương cho biết: “Sức nặng quả là lớn, đỡ được rồi mà nảy như quả bóng, người khác mà đỡ ko khéo là gãy tay”. Một người dùng mạng khác nói: “Đỡ được rồi mà trọng lực quá lớn nên bé bị nảy lên. Nhưng dù sao bé cũng được giảm đi rất nhiều”.

Cháu bé không bị tổn thương não và nội tạng

Bệnh viện Nhi Trung ương chiều 1/3 cho biết kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy sọ não của cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư không có tổn thương tụ hay các vấn đề khác.

Trường hợp trẻ em rơi từ độ cao như trên, nếu không biết cách đỡ sẽ có chấn thương sọ não và các tạng trong ổ bụng, và có thể gãy chân, gãy tay. Còn người đỡ nếu không biết cách đỡ cũng có thể bị gãy cột sống cổ, gãy tay.

Qua thăm khám sơ bộ, cháu bé chỉ bị trật khớp háng bên phải và đã được các bác sĩ nắn lại khớp; toàn trạng đã ổn định.

Lực rơi khoảng 169 kg, lòng dũng cảm và sự “may mắn” từ mái tôn

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Thành Nam, giảng viên bộ môn Vật lý, Khoa Hóa – Lý Kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã đưa ra tính toán về lực rơi của cháu bé.

“Bé rơi từ sàn tầng 12, vị anh hùng đỡ ở trần tầng 1, vậy độ cao rơi tự do là 10 tầng, h = 30m.

Với gia tốc rơi tự do g = 9,8 m/s2, bỏ qua sức cản không khí, ta tính được gần đúng tốc độ của bé ngay trước khi được đỡ:

v = căn (2gh) = căn (2.9,8.30) = 24 m/s = 87 km/h, bằng tốc độ ô tô đi trên đường nhựa ngoài đô thị.

Khối lượng trung bình của bé 2 tuổi vào khoảng 13 kg, vậy động lượng ngay trước khi va chạm là: p = mv = 13.24 = 312 Ns.

Gọi t là quãng thời gian xảy ra va chạm, tức là từ thời điểm hai người chạm nhau cho đến khi dừng hẳn thì động lượng sẽ tăng thêm một lượng nữa là: p’ = mgt.

Lực tác dụng lên người đỡ cũng bằng phản lực tác dụng vào em bé có độ lớn phụ thuộc vào quãng thời gian t tính từ khi chạm vào bé đến khi dừng hẳn, ta có lực trung bình mà vị anh hùng và em bé phải chịu là:

F = (p+p’)/t = p/t + mg

Chính nhờ mái tôn sập xuống làm kéo dài thời gian va chạm so với bình thường nên t dài ra, và do đó làm giảm lực, tức là làm giảm độ nguy hiểm của cú rơi.

Giả sử thời gian va chạm là t = 0,2 s thì lực trung bình là:

F = 312/0,2 + 127 = 1687 N, tương đương khoảng 169 kg.

Nhìn chung, nếu kéo dài thời gian va chạm ra gấp đôi thì lực giảm còn khoảng một nửa, do đó kỹ thuật đỡ và vai trò của mái tôn là vô cùng quan trọng. Ngay cả khi người đỡ đúng tư thế, nhưng nếu đỡ bé khi đang đứng trên sân bê tông thì sẽ nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.

Mọi người cần lưu ý, thông số quyết định lớn nhất đến độ nguy hiểm của cú rơi chính là thời gian va chạm t, chứ không phải là độ cao. Chỉ cần t giảm xuống một tí thì từ an toàn chuyển thành chết ngay lập tức.

Cho nên may là chính!

TS Nam cũng chia sẻ thêm rằng “tính toán trong bài này chỉ là cái cớ để nói về tư duy vật lý, về vai trò của thời gian va chạm đối với lực tương tác mà thôi” và mọi tính toán trong bài chỉ là ước tính, đã bỏ qua phần xung lượng do trọng lực tích lũy trong thời gian chuyển động xuống, và bỏ qua các thứ như sức cản.

Anh Mạnh nói rằng ngay khi nghe tiếng tri hô, anh chẳng kịp suy nghĩ gì mà chỉ lao ra tìm cách cứu em bé, vì nghĩ cháu bé ấy cũng như con gái mình. Khi xuống đất xong anh mới thấy sợ, hỏi xin điếu thuốc hút để trấn tĩnh lại. Về nhà đến nhà vẫn còn run, anh ôm con tới khi trấn tĩnh rồi mới kể với bố mẹ: “Hôm nay con cứu được cháu bé”…

Anh Mạnh cũng nhiều lần từ chối được gọi là “người hùng”, chỉ mong trở về cuộc sống bình thường và hy vọng cháu bé sớm được khoẻ mạnh, được xuất viện, về nhà cùng gia đình.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Tổng thống Bồ Đào Nha 72 tuổi nhảy xuống biển cứu người