Nợ lương kéo dài, thời gian làm việc nhiều gây áp lực tinh thần và thể chất, chế độ đãi ngộ thấp đã khiến nhiều y bác sĩ ở Gia Lai xin nghỉ việc, thậm chí chấp nhận chịu kỷ luật, buộc thôi việc để chuyển sang môi trường làm việc thông thoáng hơn. 

trung tam y te huyen chu se
Ảnh: Người dân tới khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê. Bất cập tại khu vực công khiến nhiều y bác sĩ chuyển việc sang khối tư, còn người nghèo không đủ tiền đi khám tư. (Ảnh minh họa: gialai.gov.vn)

Sở Y tế tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng lưu tâm là việc nhiều hàng trăm nhân viên y tế nghỉ việc.

Sở này cho biết trong năm 2021, ngành y tế tỉnh Gia Lai có 110 y bác sĩ nghỉ việc, trong đó có 38 người xin thôi việc (18 bác sĩ); 11 người bị kỷ luật thôi việc (có 10 bác sĩ).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục 23 y bác sĩ nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ; 14 người thôi việc, trong đó có 4 bác sĩ; kỷ luật buộc thôi việc 2 người.

Tình trạng nghỉ việc, thôi việc diễn ra trong bối cảnh tỉnh Gia Lai đang thiếu gần 500 nhân lực ngành y. Các bệnh viện như Tâm thần, Bệnh viện Lao và Phổi, Bệnh viện Y dược cổ truyền và phục hồi chức năng… đang thiếu các bác sĩ có tay nghề, kinh nghiệm.

Một số bác sĩ chấp nhận phá vỡ cam kết hợp đồng với bệnh viện để nghỉ việc. Do số tiền bồi thường không quá 100 triệu đồng nên các bác sĩ chấp nhận chịu kỷ luật, bồi thường tiền để xin chuyển công tác, nghỉ việc.

Trong những y bác sĩ nghỉ việc, nhiều người chuyển sang các bệnh viện tư nhân khác trong tỉnh như: Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai và các phòng khám tư nhân.

Ngành y tế tỉnh Gia Lai cũng rơi vào vòng luẩn quẩn khi qua 2 năm tập trung chữa, phòng bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), số lượng bệnh nhân đến khám và chuyển từ tuyến huyện lên giảm mạnh nên nguồn thu eo hẹp, bệnh viện thu không đủ bù chi.

Thậm chí, nguồn thu hàng năm của đơn vị chủ yếu từ quỹ bảo hiểm y tế, do không có bác sĩ gây mê hồi sức nên đơn vị không thực hiện được các phẫu thuật. Việc này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu.

Nhân viên y tế bị nợ lương kéo dài, chế độ đãi ngộ thấp, tâm lý mệt mỏi, áp lực công việc kéo dài. Từ đó, nhiều y bác sĩ tìm môi trường làm việc mới, có nhiều cơ hội phát triển hơn, thu nhập cao hơn để lo cho gia đình.

Việc y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt lại khiến ngành y tế của tỉnh rơi vào cảnh thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sâu và cán bộ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng như: lao, phong, tâm thần, bác sĩ gây mê hồi sức, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh và nguồn thu.

Dù cho rằng việc y bác sĩ rời bệnh viện công sang làm cho khu vực tư nhân không ảnh hưởng tới việc khám chữa bệnh, để hạn chế tình trạng y bác sĩ xin nghỉ việc, Sở Y tế Gia Lai đề nghị UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí để bù phần thiếu hụt lương, phụ cấp và các khoản phải trả theo lương năm 2022, để giảm bớt khó khăn cho các đơn vị.

Sở Y tế cũng đề nghị Sở Tài chính trình các cấp có thẩm quyền tạm cấp bổ sung kinh phí thiếu hụt lương năm 2022 để các đơn vị làm công tác khám chữa bệnh chi trả lương cho cán bộ.

Sở này cho rằng vấn đề cốt yếu, lâu dài là cần có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với người có trình độ cao đến công tác tại tỉnh, cán bộ y tế công tác tại trạm y tế tuyến xã.

Do bất cập tồn tại trong khối công?

Báo Tiền Phong ngày 25/6 đưa bài cho rằng lương thấp chỉ là một trong những nguyên nhân khiến y bác sĩ nghỉ việc. Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Đại Phong – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết tình trạng cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc đã xuất hiện từ năm 2019.

Khi ấy, đơn vị của ông mới có vài trường hợp nghỉ việc. Tuy nhiên, ông đã nhận thấy những bất cập trong việc thu hút, giữ chân cán bộ nhân viên y tếnên đã gửi công văn hỏa tốc đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk và các ban ngành liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp nhưng hơn 4 năm qua, mọi việc vẫn không thay đổi.

“Lương 1 bác sĩ mới ra trường cũng bằng cử nhân. Việc đào tạo 1 bác sĩ tốn rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Để trở thành bác sĩ, họ phải học 6 năm đại học, thêm 18 tháng thực hành đa khoa rồi tới chuyên khoa mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, 1 cử nhân chỉ học 4 năm đại học đã có thể đi làm”, ông Phong cho hay.

Theo ông Phong, “quy định thực hành đa khoa 18 tháng chẳng khác nào bắt các bác sĩ đa khoa dạo chơi thêm 1 năm rưỡi, lãng phí thời gian, tốn kém tiền bạc”, kiến nghị Bộ Y tế nên điều chỉnh quy định về bất cập này.

Một bác sĩ lâu năm ở Đắk Lắk (xin được giấu tên) cho hay lương thấp không phải là yếu tố đầu tiên khiến mình rời bệnh viện công sang bệnh viện tư. Nếu chỉ vì tiền, họ sẽ không chọn nghề y ngay từ đầu. Y tế không chỉ là nghề mà còn gắn nghiệp với những người đã chọn. Lý do vị này rời đi vì muốn có một môi trường làm việc năng động, linh hoạt với đầy đủ các thiết bị hiện đại, cơ chế để có thể cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Đấy là những thứ mà ở môi trường bệnh viện công khó đáp ứng. Sau đó mới đến chế độ đãi ngộ.

Nguyễn Quân