Để xây dựng hệ thống kè dài gần 5 km, chứa tới 3 triệu m3 bùn, thải nạo vét, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản kiến nghị Chính phủ đầu tư 456 tỷ đồng.

tro xi nhiet dien
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận. (Ảnh: Lưu Tâm)

Ngày 2/5, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT về việc thực hiện các nội dung liên quan đến đầu tư công trình kè tạo bãi chứa vật chất, chất nạo vét tại trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.

Theo đó, công trình xây dựng hệ thống kè với chiều dài gần 5 km, cao trình đỉnh kè + 3,0 m, cao trình san lấp + 2,5 m, diện tích san lấp sau khi xây dựng kè là 55 ha, khối lượng san lấp gần 3 triệu m3.

Vị trí công trình tại bờ biển của hai thôn Vĩnh Hưng, Vĩnh Tiến thuộc xã Vĩnh Tân và vùng bờ biển các khu phố 13, 14 thuộc thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong. Tổng mức đầu tư khoảng 456 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng xem xét, cân đối nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khẩn cấp từ nguồn thu vượt thuế nhập khẩu năm 2017 tại cảng Vĩnh Tân (thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân), nguồn từ các chủ đầu tư có khối lượng nạo vét vật chất trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân hoặc từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương.

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở NN&PTNT hoàn chỉnh hồ sơ để trình cấp thẩm quyền duyệt khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; giao Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn để triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư công trình.

Về dự án này, Bộ TN&MT đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan xem xét kiến nghị thực hiện dự án của tỉnh Bình Thuận. Sau đó, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét, quyết định chủ trương của dự án.

Trước đó, ngày 23/6/2017, Bộ TN&MT đã ký giấy phép số 1517 chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát thải ra ngoài vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Theo giấy phép, tổng diện tích được phép nhận chìm là 30 ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá -36m, vị trí nhấn chìm cách khu bảo tồn Hòn Cau 8 km, đây là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước, nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Đồng thời còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi.

Việc nhấn chìm tại vị trí này đã vấp phải mối quan ngại sâu sắc của các nhà khoa học. 13 tổ chức xã hội cũng đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ ngành và các cá nhân liên quan với 5 nội dung. Các tổ chức xã hội cho rằng những thông tin về tác động của việc nhận chìm chất thải tới hệ sinh thái biển Bình Thuận, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng như an sinh môi trường biển và sinh kế của ngư dân trong báo cáo của các cơ quan chức năng không tạo được sự đồng thuận cũng như tin tưởng của công luận và các nhà khoa học.

Đặc biệt, trong hồ sơ khoa học nhận chìm bùn thải xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) có ít nhất 3 trong số 14 thành viên có tên trong danh sách nhà khoa học tham gia dự án đã lên tiếng cho rằng mình bị mạo danh, lợi dụng tên tuổi. Sự coi thường dư luận của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc cấp giấy phép cho một dự án giả dối.

Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị phương án sử dụng vật chất nạo vét vào việc san lấp mặt bằng, lấn biển, chống xói lở bờ biển và các dự án phát triển hạ tầng khác trong khu vực.

Trần Tâm

Xem thêm: