Theo Bộ trưởng Giáo dục, hiện nay giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao.

botruong nguyen kim son
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: chinhphu.vn)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ về một số thông tin liên quan đến giáo dục.

Ông Sơn cho biết theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Trong đó, có 10.407 giáo viên công lập, 5.858 giáo viên ngoài công lập. Cụ thể, 6.391 giáo viên cấp mầm non, 4.493 giáo viên cấp tiểu học, 3.425 giáo viên cấp THCS và 1.956 giáo viên cấp THPT.

Giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển như: TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.

Ở những vùng này, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn (chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn).

Một số ít địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn như Gia Lai, Sơn La… số giáo viên nghỉ việc cũng nhiều hơn các địa phương khác.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, dẫn đến giáo viên ở các cơ sở này phải tìm kiếm việc làm khác. Một số giáo viên mầm non không phải người địa phương trở về quê cùng gia đình tránh dịch và không trở lại.

“Đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghỉ việc của giáo viên ngoài công lập trong 2 năm qua”, ông Sơn lý giải.

Đối với cơ sở giáo dục công lập, tình trạng giáo viên nghỉ việc là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.

“Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn”, ông Sơn phân tích.

Một số nguyên nhân khác như cơ sở giáo dục chậm đổi mới trong quản lý; áp lực công việc đối với giáo viên còn lớn; cơ sở vật chất các trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động nghề nghiệp; tác động của nền kinh tế thị trường… cũng khiến nhiều giáo viên nghỉ việc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị một trong những giải pháp là Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo. Khi đó, Luật Nhà giáo sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo. Từ đó, tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Ông Sơn đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của họ đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, cần có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.

Văn Duy