Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương sớm lập danh sách trẻ 3-11 tuổi để lên kế hoạch cung ứng vắc-xin COVID-19, vì vắc-xin tiêm cho độ tuổi này loại vắc-xin khác loại hiện dùng cho trẻ 12-17 tuổi là Pfizer và Moderna. 

ong nguyen xuan tuyen 1
Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp chiều 8/11. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Thông tin trên được ông Tuyên công bố tại hội nghị trực tuyến về phòng ngừa dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, chiều 8/11, trên tư cách người chủ trì. Ba vấn đề được đưa ra trao đổi trong cuộc họp, gồm tiêm vắc-xin COVID-19 cho học sinh, điều kiện để học sinh đi học trở lại và việc cần làm khi có ca nhiễm COVID-19 (F0) trong trường.

Lập danh sách trẻ em từ 3-11 tuổi để vắc-xin COVID-19 nhưng vẫn chưa nêu tên vắc-xin?

Tai hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu từ cấp xã không được để sót trẻ em chưa tiêm vắc-xin COVID-19. Theo ông Tuyên, các địa phương cần tuyên truyền cho phụ huynh thấy được lợi ích của vắc-xin, còn phụ huynh cũng nên hiểu rõ tác dụng phụ của chúng. Các cán bộ tiêm chủng, nhất ở cấp cơ sở cần tránh xảy ra nhầm lẫn khi tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em.

“Phải tập huấn kỹ về 5 kiểm tra, 3 đối chiếu để không xảy ra nhầm lẫn đặc biệt vào các ngày tiêm chủng thường xuyên”, ông Tuyên nói, báo Sức Khỏe Đời Sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế dẫn tin.

Ông Tuyên cho hay với việc đang triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, theo hướng hạ dần độ tuổi, do vắc-xin về theo đợt, có vắc-xin về là Bộ Y tế phân bổ ngay.

Ngoài ra, ông Tuyên nêu rõ các địa phương cần lập danh sách trẻ em từ 3-11 tuổi, tránh để sót. Trên danh sách này, các địa phương lên kế hoạch số lượng vắc-xin dự trù và gửi về Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch cung ứng vì vắc-xin COVID-19 sẽ tiêm cho độ tuổi này không như các vắc-xin đang triển khai tiêm.

“Đến nay, Việt Nam có 2 loại vắc-xin phòng COVID-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna. Liều lượng và kỹ thuật tiêm được thực hiện tương tự với người lớn. Vắc-xin tiêm cho trẻ em 3-11 tuổi là loại vắc-xin khác, có liều lượng tiêm khác. Các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 3-11 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vắc-xin cho độ tuổi này”, ông Tuyên nói, Zing dẫn lời.

Theo đó, dù tiếp tục thúc đẩy chính quyền các tỉnh lập danh sách và vận động phụ huynh cho trẻ từ 3 tuổi trở lên tiêm vắc-xin, thông tin loại vắc-xin COVID-19 sẽ sử dụng để tiêm cho nhóm trẻ này hiện vẫn chưa được giới chức ngành y tế công bố.

Trẻ vùng “xanh, vàng” được đi học trở lại, có ca F0 vẫn tiếp tục phong tỏa, xét nghiệm truy vết

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết việc rà soát văn bản, quy định tiêu chí đảm bảo an toàn trường học, ký túc xá được đặt ra để đưa các em sớm trở lại trường học. Nơi nào đã ở cấp độ dịch 1, 2 thì cho học sinh đi học trực tiếp, kể cả mầm non. Nhưng hiện nay, việc đưa học sinh vùng 1, vùng 2 trở lại trường hiện gặp nhiều khó khăn.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở một số địa phương. Do đó, một số tỉnh, thành phố có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch. Một số trường học đã dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường học, như ở các tỉnh: Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh…

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Nho Huy cho biết thêm một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất biện pháp giãn cách trong trường, tổ chức các hoạt động tập thể, ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh… Các địa phương đề nghị có hướng dẫn cụ thể về việc đeo khẩu trang trong trường học, nhất là lứa tuổi tiểu học. Như Quảng Ninh hiện yêu cầu tất cả học sinh, giáo viên đeo khẩu trang toàn thời gian (trừ lúc ăn, lúc ngủ bán trú) khi ở trường học trừ khối mầm non…

Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, tổng số ca F0 thuộc diện cán bộ, giáo viên, trẻ em, học sinh sinh viên là 47.497 trường hợp. Số ca bệnh đang điều trị là 14.745 (1.728 là cán bộ, giáo viên, 13.017 là học sinh, sinh viên), bà Minh đưa ra các con số.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay căn cứ vào cấp độ dịch (cấp tỉnh, huyện, xã) mà các địa phương có kế hoạch cho trẻ đi học cụ thể. Trong một huyện có thể xã này đi học trực tiếp, xã kia học trực tuyến.

Ông Tuyên nói thêm: “Đối với trẻ đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 và chưa được tiêm, Bộ Y tế đã có hướng dẫn căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa phương để quyết định cho đi học hay không. Theo hướng dẫn đó, các địa phương có đánh giá dịch COVID-19 ở cấp độ 1, có thể cho các trẻ chưa tiêm và đã tiêm, đến trường học trực tiếp. Đối với cấp độ 2, trẻ vẫn có thể vẫn đến trường học nhưng phải giảm tải và giữ khoảng cách, kết hợp với học trực tuyến”.

Ông Tuyên đề nghị Sở Y tế, Sở Giáo dục phối hợp và yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch phòng ngừa dịch theo tình hình mới. Cụ thể, từng trường thành lập ban chỉ đạo riêng, Hiệu trưởng phải là trưởng Ban chỉ đạo.

“Chống dịch tại Hà Nội khác với Hà Giang, phòng dịch ở trường bán trú cũng khác với nội trú. Do đó, tùy từng loại hình để có kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể” – ông Tuyên nói.

Nói về việc học sinh đi học có phải tuân thủ 5K hay không, ông Tuyên nói trong Công văn 1583, ban hành ngày 7/5/2020 của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn rất rõ việc học sinh có cần đeo khẩu trang, khoảng cách trong lớp học. Theo đó, trong lớp học không yêu cầu giãn cách nhưng cần hạn chế tiếp xúc.

Các địa phương căn cứ Quyết định 4800 của Bộ Y tế để đánh giá cấp độ dịch và căn cứ yếu tố dịch tễ, nguy cơ tại địa phương để quy định các biện pháp phòng ngừa dịch, bao gồm về thời gian, số lượng học sinh và ngừng một số hoạt động .

Ông Tuyên lưu ý từng trường xây dựng phương án, kịch bản xử lý khi trường học có 1 học sinh hoặc giáo viên F0, phương án này cũng phải được ban chỉ đạo cấp huyện duyệt. Khi trường có F0 thì khoanh vùng ngay lập tức, sàng lọc, F1 cách ly tại nhà hoặc tập trung, phong tỏa lớp học hoặc tầng học/tòa nhà đó; sau 24h khử khuẩn có thể đưa học sinh, giáo viên lớp khác vào lớp học đó học.

Trong khi đó, theo thông tin ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đưa ra tại cuộc họp, trường học có F0 vẫn áp dụng phong tỏa để truy vết F1, F2, xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ người trong trường.

Cụ thể, ông Nam cho hay trường học phát hiện F0 cần phong tỏa tạm thời, rà soát phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, truy vết F1 triệt để tại trường học cũng như trong cộng đồng. Các trường phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động.

F2 được hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1. Nếu thấy F1 có nguy cơ trở thành F0, F2 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi chờ kết quả, học sinh, giáo viên, người lao động đang có mặt tại trường ở nguyên tại chỗ, thực hiện nghiêm túc ngyên tắc 5K.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Việt Nam đã thỏa thuận hợp đồng 200 triệu liều vắc-xin, dự kiến cuối năm tiêm mũi 3