Trước khi nhận kết quả dương tính virus Vũ Hán (nCoV) vào chiều 19/8, bệnh nhân này đã được khám tại 4 khoa ở Bệnh viện E kể từ hôm 12/8. 

benh vien e
Bàn khám sàng lọc bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở…, tại Bệnh Viện E, ngày 10/8/2020. (Ảnh: FB Bệnh viện E)

Bộ Y tế sáng 20/8 ghi nhận một ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), là ông L.B.N, 87 tuổi, ở xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ – Bệnh nhân 994.

Thông tin về ca nhiễm đã được chính quyền TP Hà Nội công bố sớm từ chiều 19/8. Đây là ca nhiễm bệnh ngoài cộng đồng thứ 12 tại Hà Nội (tính từ ngày 29/7), đặc biệt liên quan đến Bệnh viện E, một trong những bệnh viện lớn tại Hà Nội.

Theo thông tin dịch tễ từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, khoảng từ 4h sáng ngày 11/8, bệnh nhân xuất hiện sốt (nhiệt độ dao động từ 38-39 độ C) kèm theo đau bụng âm ỉ liên tục vùng hạ sườn phải, không ho, không khó thở.

Ngày 12/8, bệnh nhân được con dâu đưa lên Hà Nội, đi khám tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện E rồi về nhà người thân tại Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Ngày 13/8, bệnh nhân nhập viện Khoa Gan mật, Bệnh viện E, chụp CT ghi nhận viêm phổi, sau đó được đi khám chuyên khoa Hô hấp và chuyên khoa Truyền nhiễm.

Do không có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 nên bệnh nhân được chuyển sang Khoa Bệnh nhiệt đới (D1) vào khoảng 18h ngày 13/8.

Ngày 14/8, bệnh nhân được chụp CT ngực có hình ảnh đám động đặc thùy giữa phổi phải, tổn thương dày tổ chức kẽ hai phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên số lượng ít (được chẩn đoán: theo dõi viêm phổi thùy phổi phải và viêm phổi kẽ 2 phổi, tràn dịch ít màng phổi 2 bên). Tại Khoa D1, bệnh nhân được điều trị kháng sinh, đỡ sốt, thỉnh thoảng có ho, không khó thở, phổi không rale.

Ngày 18/8, bệnh nhân được chụp XQ phổi, còn hình ảnh viêm phổi. Bệnh viện E xin ý kiến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm loại trừ COVID-19. Bệnh viện E đã lấy mẫu và gửi viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm, ngày 19/8, có kết quả dương tính nCoV.

Hiện, bệnh nhân N. được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Trong vòng 1 tháng trước đó, ông N. không ra khỏi xã Khải Xuân, 5 người còn lại trong gia đình (2 vợ chồng con trai thứ 3 của ông N., 2 cháu và 1 chắt) không có người đi đâu xa đến các khu vực có dịch COVID-19.

Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý nền.

Từ 20h tối 19/8, Bệnh viện E thông báo tạm dừng tiếp nhận khám chữa bệnh. Theo CDC Hà Nội, bước đầu xác định 68 cán bộ y tế Bệnh viện E có tiếp xúc gần hoặc liên quan đối với trường hợp này (trong đó có 48 F1, 20F2). Các khoa phòng đang nhanh chóng tìm các khu vực người bệnh đã đến khi điều trị ở bệnh viện.

Tối 19/8, CDC Hà Nội phun khử khuẩn bệnh viện. 68 người F1, F2 được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, tất cả đều âm tính; tiếp tục được lấy mẫu lần 2.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh Bệnh viện E phải coi đây như là một ổ dịch vì đã có ca dương tính lần 1. Ông Khuê đề nghị Bệnh viện E cần phải rà soát lại toàn bộ những trường hợp bệnh nhân đang điều trị ở các khoa bệnh nặng, tuyệt đối cách ly, phân luồng, không để người nhà vào chăm sóc để giữ an toàn.

Theo đó, tính đến sáng 19/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã tăng lên 994 ca, 435 đang được điều trị, 533 ca bình phục, 25 ca tử vong.

Trong đợt tái bùng phát (từ ngày 25/7 tới nay), ngoài vùng dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, hiện xác định thêm một ổ dịch tại Hải Dương (Nhà hàng Thế giới Bò tươi) và ca nhiễm bệnh mới nhất – bệnh nhân 994 nói trên chưa xác định được nguồn lây; các ca nhiễm bệnh trước đó tại Hà Nội đều có từng đi từ Đà Nẵng về hoặc tiếp xúc gần người đi từ Đà Nẵng về.

Nguyễn Sơn