Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 2,46 ha rừng tự nhiên tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum để thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng.

thuy dien italy mo rong
Dự án thủy điện Ialy mở rộng. (Ảnh: icon.com.vn)

Ngày 22/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng.

Theo đó, xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 29/12/2021, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng đối với 2,46 ha rừng tự nhiên tại tỉnh Gia Lai (1,02 ha, gồm: 0,78 ha rừng phòng hộ, 0,24 ha rừng sản xuất) và tỉnh Kon Tum (1,44 ha, gồm: 0,53 ha rừng phòng hộ, 0,91 ha rừng sản xuất) để thực hiện dự án.

Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, công suất 360 MW và được đầu tư xây dựng tại xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) và các xã Ia Mơ Nông, xã Ia Kreng, thị trấn Ialy (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.400 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình trong quý 4/2024.

Công trình thuỷ điện Ialy thuộc hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Sê San, nằm giáp ranh giữa 2 huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đang do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.

Một số thông số chính của hồ thủy điện Ialy:

  • Mực nước dâng bình thường: 515 m
  • Mực nước chết: 490 m
  • Mực nước gia cường với lũ 1%: 518m
  • Diện tích mặt hồ: (cao trình 515 m): 6.450 ha
  • Dung tích hồ: (cao trình 515m): 1.037 triệu m3
  • Dung tích hữu ích: 779 triệu m3
  • Mặt hồ nơi rộng nhất (cao trình 515 m): 4 km
  • Nơi sâu nhất (cao trình 515 m): 60 m
  • Lưu vực: 7.455 km2

Theo báo cáo từ Sở Công thương tỉnh Kon Tum, tỉnh hiện có 81 dự án thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW.

Trong đó, 28 dự án đã hoàn thành có tổng công suất 329,4 MW; 11 dự án thực hiện báo cáo khởi công xây dựng với tổng công suất 186,1MW; 38 dự án đang lập dự án đầu tư xây dựng với tổng công suất 335,6 MW.

Dự kiến trong năm 2022, tỉnh khởi công xây dựng 6 dự án với tổng công suất 67,4MW. Có 4 công trình với tổng công suất 19,5MW được UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương xem xét, thống nhất loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ gồm: Đăk Ruồi 1, Đăk Man, Đăk Brot, Sông Tranh 1.

Như vậy, Kon Tum được xem là nơi có dự án thủy điện nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Mạng lưới thủy điện chi chít, dày đặc tập trung nhiều tại các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Rẫy… đã gần như bóp nghẹt cảnh quan, môi trường sống của người dân khu vực nơi đây.

Gánh trên mình hàng chục nhà máy thủy điện, sông Đăk Pxi được ví như “dòng sông chết”. Mùa khô thì dòng sông Đăk Pxi (Kon Tum) khô hạn, mùa mưa thì ngập lụt nặng nề. Chưa bao giờ, người dân đang sinh sống quanh lưu vực sông Đăk Pxi trở nên bất an như bây giờ, báo Nông Nghiệp phản ánh.

Kim Long