Đó là khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới – khi nói về luồng ý kiến cho rằng “những người tham gia vẽ dự án để chia tiền”.

GS Nguyen Minh Thuyet
GS Nguyễn Minh Thuyết. (Ảnh: Dương Tâm/vnexpress.net)

GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa có buổi chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.

Tại buổi chia sẻ, GS Thuyết đã đề cập đến vấn đề tài chính và thù lao của các chuyên gia khi tham gia vào chương trình.

Số tiền đổi mới toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông là 80 triệu USD” – GS tiết lộ.

Vị GS này cũng cho hay số tiền trên là vay từ Ngân hàng thế giới. Riêng số tiền cho chương trình đổi mới SGK tính ra là 144 tỷ đồng.

Về ý kiến dư luận cho rằng “những người tham gia vẽ dự án để chia tiền”, GS Thuyết khẳng định “Có phải 80 triệu USD chui vào túi mấy ông làm chương trình đâu”.

Ông giải thích “Ngân hàng Thế giới làm chặt lắm. Họ đề nghị trả lương cho người làm chương trình, ông muốn làm như thế nào để ra chương trình tốt thì làm.

Vì thế mới có chuyện có những nhà khoa học từ miền Nam, từ Cần Thơ bay ra Hà Nội để làm và triệu tập là phải ra, có những đợt tuần nào cũng ra họp… thì coi như chẳng có đồng nào“.

GS Thuyết còn lấy ví dụ so sánh “144 tỷ đồng, với mỗi cá nhân là rất lớn, nhưng thực ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa và bằng 600m cao tốc Bắc Nam mà thôi”.

Ngoài ra, liên quan đến những phát ngôn của GS Hồ Ngọc Đại trong thời gian gần đây, GS Thuyết khẳng định ông tôn trọng cái khác của mọi người, miễn là chương trình ấy không vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng những tranh cãi gần đây về vấn đề sách giáo khoa Công nghệ giáo dục là không cần thiết.

Chỉ mỗi việc nên ăn trứng bằng đầu to hay đầu nhỏ cũng khiến người ta cãi nhau, thậm chí đánh nhau. Nếu không tôn trọng sự khác biệt thì rất dễ sinh chuyện, mọi chuyện mất đoàn kết thậm chí chiến tranh cũng từ đó mà ra” – GS Thuyết nói.

Cũng tại buổi chia sẻ, GS Thuyết thông tin Việt Nam từng tiến hành ba lần cải cách và một lần đổi mới giáo dục nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như ý.

Vì vậy, lần đổi mới này sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành giáo dục, quyết tâm xây dựng một chương trình đào tạo bài bản nhất” – vị GS này nói.

Hoàng Minh

Xem thêm: