Trong vụ cấp bằng giả cho 431 người, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng xảy ra tại trường Đại học Đông Đô, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Dương Văn Hòa – cựu hiệu trưởng từ 12-13 năm tù; bị cáo Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà – cựu Phó Hiệu trưởng từ 9-10 năm tù.

10 bi cao vu dai hoc dong do
Sáng 24/12, HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hà Nội kết thúc phần thẩm vấn phiên tòa hình sự xét xử 10 bị cáo ở Trường Đại học Đông Đô bị truy tố về tội “giả mạo trong công tác”, theo quy định tại Điều 359 BLHS. (Ảnh: Danh Lam/vnexpress.net)

Sáng 24/12, HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hà Nội kết thúc phần thẩm vấn phiên tòa hình sự xét xử 10 bị cáo ở Trường Đại học Đông Đô bị truy tố về tội “giả mạo trong công tác”, theo quy định tại Điều 359 BLHS.

VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) 12-13 năm tù; hai cựu Phó Hiệu trưởng Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà cùng bị đề nghị 9-10 năm tù; bị cáo Trần Ngọc Quang (cựu Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) 8-9 năm tù.

Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng Phòng Tài chính, kế toán) bị đề nghị 6-7 năm tù; Phạm Vân Thùy bị đề nghị 3-4 năm tù; Lê Thị Thanh Tâm và Nguyễn Thị Ngọc Thái cùng bị đề nghị 30-36 tháng tù, hưởng án treo; Lê Thị Lương và Ngô Quang Hiển cùng bị đề nghị mức án 12-18 tháng tù, hưởng án treo.

Ngoài ra, đại diện VKS đề nghị truy thu, nộp ngân sách hơn 7,1 tỷ đồng mà Đại học Đông Đô đã thu lời bất chính từ hành vi làm bằng giả.

Theo cáo buộc, Trần Khắc Hùng (đang bỏ trốn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô) thấy một số cá nhân có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh văn để sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sỹ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch, nên đã chỉ đạo Ban Giám hiệu, Viện Đào tạo và các đơn vị liên quan làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho những người có nhu cầu.

VKS xác định từ tháng 4/2018 – 3/2019, ông Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.

Trong số 210 trường hợp được làm rõ có 76 người đã sử dụng, trong đó có 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh, 9 trường hợp sử dụng vào mục đích khác (2 người dùng để học thạc sĩ; 4 người kê khai hồ sơ công chức, 3 người dùng kê khai hồ sơ công chức, viên chức, thi tuyển công chức, thăng hạng viên chức).

VKS nhận định bị cáo Hoà biết việc làm trên là vi phạm nhưng trong các năm 2018-2019, vẫn ký 429 bằng giả. Bị cáo Oanh cũng biết sai phạm nhưng vì động cơ vụ lợi, đã chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ, hợp thức việc cấp văn bằng, là đồng phạm tích cực.

Các bị cáo khác cũng vì động cơ vụ lợi đã tham gia tiếp nhận hồ sơ, thủ tục để cùng với nhóm cựu lãnh đạo Đại học Đông Đô cấp bằng giả cho học viên.

“Hành vi phạm tội của của các bị cáo ở mức rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, bức xúc trong người dân”, đại diện VKS nói.

Phạm Toàn

Xem thêm:

Vụ ĐH Đông Đô: Cựu hiệu trưởng nói ‘không ký bằng giả sẽ bị đuổi việc’