Ngoài ra, trong 3 năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu khoảng 28% người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), khoảng 35% tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH)…

bhxh
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2021, có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH. (Ảnh: Andrys Petrovas/shutterstock.com)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 125 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.

Theo Chương trình hành động, Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021, có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 có khoảng 45% và đến 2030 có khoảng 60%.

Tăng số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội) lên khoảng 45% vào năm 2021; khoảng 55% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030.

Ngoài ra, đến năm 2021, đặt mục tiêu giao dịch điện tử 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp bằng mức ASEAN-4 (49 giờ/năm).

Về chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH, Chính phủ đặt mục tiêu đạt mức 80% vào năm 2021; đến năm 2025 đạt mức 85% và đến 2030 đạt mức 90%.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Chính phủ đưa ra các giải pháp như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHTN, tạo sự đồng thuận trong cải cách chính sách BHXH.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống lao động, việc làm, BHXH, BHTN và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH; thí điểm thực hiện gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt; ban hành chính sách khi đủ điều kiện; điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc; nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Sửa đổi quy định về tiền lương phù hợp với Bộ luật Lao động sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN, chính sách việc làm; sửa đổi bổ sung Luật BHXH.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công, tính đến năm 2017, tổng số người tham gia BHXH là 13,9 triệu người (chiếm 25% tổng số người lao động), trong đó BHXH bắt buộc là 13,6 triệu người, BHXH tự nguyện là 0,3 triệu người. Số người tham gia BHTN là 11,7 triệu người (chiếm 21% tổng số người lao động) (*).

Quỹ BHXH đang thực hiện chế độ, chính sách cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hàng tháng. Trong năm 2017, có 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 0,7 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; trên 56 nghìn người hưởng chế độ tai nạn, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Quỹ BHXH là quỹ an sinh lớn nhất hiện nay. Theo công bố, quỹ đang kết dư khoảng 500 ngàn tỷ đồng. 90% tiền Quỹ BHXH được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Quỹ được vận hành theo cơ chế PAYG (pay as you go) – thực thanh thực chi. Lương hưu của người nghỉ hưu hiện tại được chi trả từ đóng góp của thế hệ người lao động đang làm việc. Điều này dẫn tới áp lực về tài chính khi dân số già hóa, tỷ lệ phụ thuộc hệ thống (số người hưởng/số người đóng góp) ngày càng tăng lên.

Tháng 5/2018, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết trong giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Nghĩa là cứ 2 người tham gia vào BHXH thì một người rút ra khỏi hệ thống.

Vĩnh Long

(*) Tổng số người lao động cả nước năm 2017 ước đạt 54,8 triệu người, theo công bố của Tổng cục Thống kê.

Xem thêm: