Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, vậy thì phải có cách giải quyết đặc biệt cho thuốc là như thế nào chứ không thể “khăn gói” đấu thầu lại trong khi bệnh nhân vẫn chờ đợi. “Đây là hiện trạng đang xảy ra”, bà Lan cho hay.

phamkhanhphonglan
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay thuốc là mặt hàng đặc thù, cần có quy chế riêng và tiêu chí minh bạch để bệnh viện mua được thuốc đáp ứng hiệu quả điều trị thay vì bị ràng buộc như hiện nay. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Tại buổi thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) diễn ra tại nghị trường Quốc hội sáng 15/11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) – Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa 13 ban hành cho tới thời điểm này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trên thực tế, cần phải sửa đổi.

Bà Lan nhận định đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là làm sao có được những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả.

“Nhưng vừa qua tiêu cực nhiều quá. Chúng ta tăng cường các biện pháp để giám sát… nhưng mà trên thực tế nó dẫn đến hệ lụy là ảnh hưởng đến thời gian, công sức và thực sự có chống được tiêu cực không?”, bà Lan nêu vấn đề.

Có những nhóm mặt hàng có thể chấp nhận chậm để giảm tiêu cực, nhưng có những nhóm mặt hàng như y tế thì việc cứu chữa người bệnh ảnh hưởng tới tính mạng, tới sức khỏe thì không thể chậm được.

Bà Lan đồng ý với ý kiến của đại biểu Khánh Thu (đoàn Thái Bình), rằng cần có một chương riêng quy định về đấu thầu thuốc, chương 5 hiện tại có đề cập nhưng không đầy đủ. Theo bà Lan, thứ nhất cần đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, chứ phải không chỉ có chăm chú vào hình thức đấu thầu, “vừa tốn thời gian vừa tốn công sức và cũng không đảm bảo là chống được tiêu cực”.

Thứ hai, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, vậy thì phải có cách giải quyết đặc biệt cho thuốc là như thế nào, “chứ lúc đó không thể nào khăn gói đấu thầu lại, trong khi đó thì bệnh nhân vẫn chờ đợi”.

“Đây là hiện trạng đang xảy ra. Chúng ta vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện”, bà Lan nêu rõ.

Thứ ba là vấn đề về chọn giá đấu thầu, đại biểu Phong Lan cho rằng phải căn cứu vào giá thị trường thực tế, chứ không thể căn cứ vào giá trúng thầu năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau; như vậy sẽ dẫn đến giá càng ngày càng thấp, không bảo đảm được chất lượng.

“Đấu thầu, ai cũng hiểu là phải chọn giá rẻ nhất, dù một hay hai túi hồ sơ hay là một hai giai đoạn thì cuối cùng vẫn là giá rẻ nhất trúng thầu. Thế thì chúng ta làm sao để đảm bảo được giá rẻ nhất nhưng mà chất lượng phải đảm bảo?” – bà Lan chỉ ra.

Giải đáp cho gút mắc này, bà Lan nêu trước tiên cần kiểm soát chất lượng thuốc trúng thầu. Theo bà Lan, trong các tiêu chí đấu thầu thuốc thiếu một tiêu chí rất quan trọng, là đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đó, sử dụng như thế nào, hiệu quả ra làm sao, cần phải được lượng hóa và tính thành số điểm, phải chịu trách nhiệm một cách công khai, minh bạch bởi hội đồng thuốc và điều trị.

Dù thừa nhận tiêu chí này có thể hơi cảm tính, sau này cơ quan kiểm tra có thể kết luận sao không chọn thuốc rẻ hơn, mà lại chọn thuốc đắt hơn.v.v… Cho nên, theo bà Lan, rất cần có những quy định về vấn đề này. Bà Lan cho hay bản thân người bác sĩ với quá trình ăn học, lương tâm nghề nghiệp, lời thề Hippocrates, thì khi chọn thuốc ưu tiên đầu tiên là hiệu quả điều trị cho người bệnh, mà việc này được tích lũy thông qua kinh nghiệm làm việc.

“Tất nhiên vẫn có những cá nhân tiêu cực. Nhưng mà chúng ta phải “xây” làm sao để đảm bảo chất lượng thuốc. Đây vẫn là vấn đề quan trọng nhất”, bà Lan nói.

Sau gần 6 phút trình bày, bà Lan hy vọng những vấn đề vừa nêu ra sẽ được cụ thể và chi tiết hóa trong sửa đổi luật lần này. “Nếu không, nói thật thì chúng ta lại phí thời gian làm luật mới, để mà bổ sung, sửa đổi, nhưng cuối cùng thì nó vẫn như vậy”, vị đại biểu cho hay.

“Một câu hỏi đặt ra: Có quốc gia nào trên thế giới mà đấu thầu khốn khổ như chúng ta hay không? Những bệnh viện tư nhân thì hoạt động như thế nào”, bà Lan nêu lên mối băn khoăn.

Đại biểu Lan nhận định việc này có liên quan mật thiết đến vấn đề tự chủ bệnh viện. Nếu bệnh viện được tự chủ về tài chính, được quyền quyết định mua thuốc để điều trị hiệu quả, người dân không phàn nàn, còn kiểm soát bằng tổng mức thanh toán: tính theo định suất, bệnh viện mỗi năm đón bao nhiêu bệnh nhân, cơ cấu bệnh tật thế nào thì giá trị trung bình thị trường thế nào.

Bà Lan cho biết nếu sợ tiêu cực thì có thể làm thí điểm, đồng thời có sự theo dõi, giám sát bởi các cơ quan chức năng chứ đừng làm khổ Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn mà không có chuyên môn trong vấn đề này.

Cùng trong buổi thảo luận, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội)  – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng về quy định chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế đặc chủng, cần bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất chế tạo và bán thương mại trên thị trường.

Về chỉ định thầu rút gọn, bà Hà đề nghị dự thảo cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc. Bên cạnh đó, luật cần phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay.

Vĩnh Long