Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) xây dựng bản đồ ven biển 4 tỉnh miền Trung chưa được phép khai thác hải sản tầng đáy.

hai-san-tang-day
Hải sản được ngư dân đánh bắt đưa vào bờ, rất khó để xác định là hải sản tầng nổi hay tầng đáy chưa an toàn để sử dụng làm thực phẩm. (Ảnh: Đức Ngọc/ nld.com.vn)

Sau khi Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN&PTNT họp báo công bố mức độ an toàn thực phẩm của cá biển khai thác tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, việc các Bộ công bố vùng biển tầng đáy chưa an toàn còn chung chung và mâu thuẫn nên rất khó để kiểm soát.

Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị Tổng cục Thủy sản xây dựng bản đồ ven biển 4 tỉnh miền Trung chưa được phép khai thác cá tầng đáy. Bản đồ này cần xác định rõ diện tích vùng biển, vĩ độ và kinh độ đường biên của vùng biển không an toàn, để ngư dân khi khai thác cá tầng đáy có thể nhận biết và không khai thác cá ở những vùng biển này.

Đồng thời, Hội Nghề cá Việt Nam cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có biện pháp để kiểm soát các tàu đánh cá của 4 tỉnh miền Trung và các tỉnh khác vào vùng biển cấm để đánh bắt thủy sản tầng đáy, theo dõi các tàu này về bờ bán cá tại cảng nào trên lãnh thổ Việt Nam để ngăn chặn.

Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, chỉ có các chuyên gia ngư loại học mới có thể phân biệt chính xác thủy sản biển tầng nổi và tầng đáy. Do đó, để giúp người tiêu dùng, các cửa hàng ăn có thể phân biệt dễ dàng và chính xác loại nào là thủy sản tầng đáy, Hội đề nghị Tổng cục Thủy sản sớm tạo “Tờ rơi” bao gồm các thông tin: tên loài thủy sản tiếng Việt (gồm tên phổ thông và tên địa phương), tên khoa học, kèm theo ảnh của các loài thủy sản sống ở tầng đáy và phân phát tài liệu này cho các cửa hàng ăn, người tiêu dùng và những người quan tâm.

Đối với việc giao hoạt động kiểm tra và cấp giấy chứng nhận An toàn thực phẩm cho từng lô hàng thủy sản do các tàu đánh cá thuộc 4 tỉnh miền Trung đánh bắt được Bộ Y tế công bố hôm 20/9, Hội Nghề cá Việt Nam chỉ ra 3 vấn đề không hợp lý.

Thứ nhất, theo công bố tại cuộc họp báo, việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận An toàn thực phẩm này sẽ do các tổ chức trực thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thực hiện, tuy nhiên, điều này không đúng với phạm vi nhiệm vụ được quy định tại Điều 62 và 63 của Luật An toàn thực phẩm.

Điều 62, Khoản 2.b Luật An toàn thực phẩm quy định: Nhiệm vụ của Bộ Y tế là “Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ”.

Điều 63, Khoản 3 Luật An toàn thực phẩm ghi: Nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT là “Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ”.

Thứ hai, theo Hội Nghề cá Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản trực thuộc Bộ NN&PTNT có các Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản tại từng tỉnh là đơn vị đang được giao trách nhiệm thực hiện quản lý an toàn thực phẩm nêu tại Điều 63 của Luật An toàn thực phẩm. Cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản cùng các cơ quan ngành dọc của Cục tại địa phương có đủ khả năng và nguồn lực (nhân lực, thiết bị) để thực hiện công việc này.

Thứ ba, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, việc kiểm soát cá tầng đáy từ các tàu vào bờ bốc dỡ không nên chỉ giới hạn là cá và phạm vi là các cảng thuộc 4 tỉnh miền Trung, mà cần xác định là thủy sản tầng đáy (gồm cá, giáp xác, nhuyễn thể) khai thác tại các vùng biển cấm khai thác và được cập cảng – bốc dỡ tại tất cả các tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo kết quả kiểm nghiệm Bộ Y tế công bố ngày 20/9, trong 1.040 mẫu hải sản lấy từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế có 132 mẫu còn nhiễm phenol, nơi có tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất là tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, nơi có tỷ lệ nhiễm thấp nhất là tại biển Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Các mẫu này là hải sản sống ở tầng đáy biển, như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá,… 

Trên cơ sở kết quả phân tích, Bộ Y tế khuyến cáo hải sản sống ở tầng đáy biển tại 4 tỉnh miền Trung trong vòng 20 hải lý vẫn chưa an toàn để làm thực phẩm. Viện Nghiên cứu hải sản sau đó đã lập danh sách 154 loài hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

hai-san-tang-day-15
Hải sản sống ở tầng đáy biển tại 4 tỉnh miền Trung trong vòng 20 hải lý vẫn chưa an toàn để làm thực phẩm. (Ảnh: theo Viện Nghiên cứu hải sản)

Hải Linh

Xem thêm: