Ông Thích Đàm Thành, trụ trì chùa Kim Liên (phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) đã thuê thợ đập bỏ tường gạch mộc (tường bao) của ngôi chùa để xây tường mới.

tuong chua kim lien bi pha bo
Ông Thích Đàm Thành, trụ trì chùa Kim Liên (phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) đã thuê thợ đập bỏ tường gạch mộc (tường bao) của ngôi chùa để xây tường mới. (Ảnh: nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn)

Theo báo Giáo dục và Thời đại, bức tường bao này nối liền hai bên cổng tam quan (cổng chính) của chùa Kim Liên, được xây bằng gạch mới, thay cho những viên gạch cũ.

Điều đáng nói, bức tường này được nâng cao khoảng 30 – 40cm và được lợp mái che, khác hẳn với trước đó.

Hơn nữa, cổng phụ nối liền bức tường cũng đã bị tháo dỡ hoàn toàn, thay bằng cổng gỗ mới, cao rộng hơn.

Theo lý giải của ông Thành, bức tường cũ đã xây từ lâu, chỉ bằng vôi vữa nên qua thời gian, nhất là chịu nhiều đợt mưa lớn, bức tường đã nứt, vỡ, có nguy cơ đổ sập. Điều này gây mất an toàn cho tăng ni, phật tử, người dân và du khách đến vãn cảnh chùa.

Dân làng Quảng An cũng rất muốn nhà chùa xây lại bức tường này vì vậy, nhà chùa buộc phải xây lại và việc xây mới cơ bản vẫn hài hòa với di tích.

Tuy nhiên, theo một giới chức quận Tây Hồ, nhà chùa sợ tường rào đổ thì phải có biện pháp, chứ không thể tự tiện xây lại ngay được. Việc tu sửa các di tích này cần phải có trình tự, thủ tục.

“Chúng tôi đang yêu cầu phục dựng theo nguyên bản cũ, không được xây theo kiểu mới, không giống 10 phần thì cũng phải được 9 phần, chứ việc làm này là quá tùy tiện”, vị này nói, theo báo Tuổi Trẻ.

Sáng ngày 24/9, cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản về việc nhà chùa xây lại tường rào ở di tích quốc gia chùa Kim Liên, theo báo Hà Nội Mới.

chua kim lien
Bức tường gạch mộc tại chùa trước khi bị phá bỏ. (Ảnh: Nguyễn Xuân Diện/Facebook)

Chùa Kim Liên là nơi thờ tự và tưởng niệm nàng công chúa Từ Hoa đoan trang, đức độ, người có công giúp dân chăn tằm dệt lụa thời Lý Thần Tông (1128 – 1138). Ngôi chùa này là 1 trong 12 di tích đầu tiên trên cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia (năm 1962).

Theo TS Nguyễn Xuân Diện, chùa xây giữa một bán đảo ở góc hồ Tây. Xưa kia, từ trên đê trông xuống, mái chùa đỏ au như những bông sen hồng nổi trên mặt nước xanh biếc.

Quy mô chùa như hiện nay được xây vào thời Chúa Trịnh. Trong chùa có tượng Uy vương Trịnh Giang mặc áo giao lĩnh đứng hầu Phật. Kiểu chùa Kim Liên cũng giống chùa Tây Phương ở Thạch Thất xứ Đoài là lối trùng thiềm điệp ốc, ba nếp nhà liền nhau, mỗi toà hai tầng tám mái. Các mái cong vươn lên như cánh sen.

Để lấy ánh sáng và không khí tỏa vào các tòa chùa và làm cho tường bao bớt vẻ nặng nề, người xưa trổ các cửa sổ tròn rất độc đáo gọi là cửa “sắc sắc không không”. Nước ta có ba chùa có lối cửa này là Tây Phương cổ tự, Kim Liên cổ tự và chùa Giám ở huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương.

Cổng chùa Kim Liên cũng độc đáo, tạo hình một bông sen, chênh vênh mà vững chãi.

Lối vào chùa Kim Liên là con đường mang tên Từ Hoa. Đó là tên một cung điện ở bên hồ Tây mà vua nhà Lý xây để các công chúa và cung nữ ra đấy ở để trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa dệt gấm. Nguyên do là lúc bấy giờ nhà Tống hằm hè với Đại Việt, đóng cửa biên giới, khiến triều đình không nhập lụa gấm của nhà Tống được; đành phải tổ chức tự cấp tự túc.

Minh Long