Trong bối cảnh số ca mắc mới và tỷ lệ F0 nặng có chiều hướng gia tăng, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3.000 bác sĩ, điều dưỡng.

covid 19 tphcm 1111
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, TP.HCM ghi nhận hơn 490.000 ca nhiễm. Hiện thành phố tiêm hơn 7,9 mũi 1 vắc-xin COVID-19; 6,8 triệu mũi 2 và hơn 11.000 mũi 3. (Ảnh: HCDC)

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký công văn khẩn kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ bổ sung lực lượng y tế tham gia phòng dịch COVID-19.

Theo giới chức thành phố, hiện dịch COVID-19 tại thành phố có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng khá cao. Thành phố đang tiếp tục duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị COVID-19. Tuy nhiên một số bệnh viện, trung tâm hồi sức COVID-19 cần bổ sung nhân lực để mở rộng quy mô giường bệnh.

Theo kiến nghị, TP.HCM cần hỗ trợ 1.000 bác sĩ cùng 2.000 điều dưỡng. Trong số này có ít nhất 300 bác sĩ và 600 điều dưỡng có chuyên môn hồi sức, cấp cứu. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị duy trì hoạt động đối với Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.

Sau 2 tháng mở cửa trở lại, TP.HCM duy trì dịch ở mức độ 2 nhiều tuần liên tiếp, tuy nhiên thành phố vẫn là nơi có số lượng F0 mới và tử vong ở mức cao. Đặc biệt, số ca tử vong chưa có dấu hiệu giảm.

Sở Y tế thành phố cho biết hệ thống y tế điều trị COVID-19 tại thành phố hiện bắt đầu bị quá tải. Sở Y tế đang khởi động lại các bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng 2 và 3 để có thể tiếp nhận kịp thời người bệnh. Sở Y tế đang triển khai các bước điều phối, hỗ trợ những bệnh viện có lượng bệnh nhân đông khi có bệnh nặng.

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, F0 tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, bệnh nền, chưa tiêm chủng, chưa sử dụng thuốc kháng virus. Hiện việc hạn chế F0 tử vong vẫn là vấn đề cấp thiết được ngành y tế thành phố đề ra.

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, TP.HCM ghi nhận hơn 490.000 ca nhiễm. Hiện thành phố tiêm hơn 7,9 mũi 1 vắc-xin COVID-19; 6,8 triệu mũi 2 và hơn 11.000 mũi 3.

Trước đó, ngày 2/12, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì sự hỗ trợ của 153 quân y tại 85 trạm y tế lưu động tại TP đến hết tháng 12/2021.

Đến ngày 8/12, giới chức TP tiếp tục kiến nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ bổ sung 537 quân y để tăng cường cho 179 trạm y tế lưu động (chưa kể 85 trạm đang hoạt động).

Ngày 15/12 ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất tính từ đầu tháng 10

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 15/12 ghi nhận 283 ca tử vong, nhiều nhất là tại TP.HCM, sau đó là các tỉnh thành An Giang, Bình Dương, Đồng Nai… Đây là ngày nhiều ca tử vong nhất tính từ đầu tháng 10 đến nay.

Số ca tử vong liên tục tăng cao kể từ giữa tháng 11 đến nay, trung bình tuần qua, mỗi ngày ghi nhận 241 ca tử vong, trong khi tuần đầu tiên của tháng 12 là 202 ca/ngày và các tuần của tháng 11 đều dưới 200 ca.

Tại An Giang, số bệnh nhân trong 2,5 tháng qua gấp 5,5 lần so với thời điểm trước ngày 1/10. Đến nay, An Giang đã ghi nhận 674 ca tử vong, đa số bệnh nhân COVID-19 tử vong là nữ, khoảng 90% số tử vong có bệnh nền, trên 86% là người từ 50 tuổi trở lên; 83% số ca tử vong là chưa tiêm vắc-xin.

Tiền Giang ghi nhận 694 ca COVID-19 tử vong, trong đó nhóm có bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường) chiếm tỷ lệ cao, 65% bệnh nhân tử vong chưa tiêm vắc-xin.

Hiện Bộ Y tế cũng đã điều động Bệnh viện E hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ An Giang, Bệnh viện Việt Đức và Phụ sản trung ương hỗ trợ Bà Rịa – Vũng Tàu… Tuy nhiên quy mô các đoàn hỗ trợ còn nhỏ hơn so với giai đoạn tháng 8-9 vừa qua.

Bộ Y tế cho biết tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.616 ca.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Minh Long

Xem thêm: