Việc thi công 3 dự án điện gió tại 2 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (huyện Đắk Song, Đắk Nông) đã ảnh hưởng tới khoảng 1.000 hộ dân. Nhiều người dân không đồng ý việc bồi thường nên bị một nhóm người (xưng là người của dự án điện gió) hành hung, phải gửi đơn kêu cứu.

nguoi dan dien gio dak nong bi vay danh
Một nhóm người (xưng là người của dự án điện gió) hành hung người dân. (Ảnh: nld.com.vn)

Công ty TNHH Năng lượng Đắk N’Drung thi công 3 dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2 và Đắk N’Drung 3 (tổng công suất 300 MW, vốn đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng) tại 2 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh thuộc huyện Đắk Song, Đắk Nông.

Dự kiến, sẽ có 81 vị trí tuabin được triển khai xây dựng, tương đương công suất hơn 3,7 MW/tuabin, khiến khoảng 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng diện tích đất sử dụng của 3 dự án gần 200 ha.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, doanh nghiệp này đã bị người dân địa phương nhiều lần phản đối và đòi đền bù thỏa đáng.

Theo các hộ dân, họ yêu cầu đơn vị thi công, nhà đầu tư và các bên liên quan phải giải đáp rõ một số vấn đề liên quan tới thi công các tuabin điện gió, trong đó nổi bật là việc nhà đầu tư tự ý san ủi, mở rộng đường để phục vụ xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển các trang thiết bị phục vụ thi công; việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với nhà cửa, đất đai của người dân trong bán kính 300m tính từ cột điện gió; việc nhà thầu đóng cọc thi công cột điện gió tạo ra tiếng ồn cường độ lớn và làm nứt nhà 7 hộ dân thuộc thôn 8, xã Thuận Hà…

Ngoài ra, nhiều người dân địa phương cho biết họ còn bức xúc bởi chủ đầu tư, chính quyền chậm công khai thông tin dự án…

Người dân liên tục bị hành hung, chính quyền bất lực?

Đáng chú ý, thời gian qua đã liên tục xảy ra xô xát giữa người của dự án điện gió với người dân sống gần dự án.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, mạng xã hội Facebook lan truyền một video dài hàng chục phút cho thấy nhiều người dân chặn một xe đổ bê tông vào thi công một tuabin thuộc dự án điện gió Đắk N’Drung 1. Trong lúc ngăn chặn, đã xảy ra xô xát hỗn loạn với bảo vệ thi công công trình, theo báo Tuổi Trẻ.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Đắk N’Drung thừa nhận có việc trên, cho rằng “không có việc thuê giang hồ dằn mặt dân”. Ông Tuấn từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến dự án, đến việc xô xát giữa đôi bên.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Ngô Thanh Danh – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông nói “Chủ đầu tư các dự án điện gió mua gom đất rồi tự ý thi công khi chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, xô xát với người dân địa phương”, và khẳng định “không thể để tái diễn tình trạng mất an ninh trật tự địa phương tại các dự án điện gió”.

Thế nhưng, việc người dân bị hành hung vẫn không dừng lại.

Báo Thanh Niên hồi cuối tháng 9 cho biết ông Trương Văn Túy (ở xã Thuận Hạnh) đã phải gửi đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng vì bị “người của dự án điện gió tấn công”.

Ông Túy đòi bồi thường 1,2 tỷ đồng vì căn nhà bị hư hỏng và phần đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thỏa thuận không thành, một nhóm người (xưng là người của dự án điện gió) đã tấn công ông Túy ngay tại cổng nhà, trước sự chứng kiến của nhiều người dân.

Em rể ông Túy là ông Trần Anh Tèo vì giúp anh đòi bồi thường cũng bị một nhóm đối tượng trên ô tô vây lại đánh túi bụi. “Tôi bị chấn thương nhiều nơi, phải ra Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Song khám”, ông Tèo nói trên báo Người Lao Động.

Báo Dân Trí dẫn lời chị Nguyễn Thị Kim Nhung (thôn Thuận Bắc, xã Thuận Hạnh) cho biết chị có một phần diện tích đất nằm hai bên đường dẫn vào trụ điện gió số 48, 49 thuộc Dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3.

Con đường có độ dốc lớn nên nước mưa từ trên cao đổ dồn vào phần đất này, khiến đất bị ngập. Chị Nhung đề nghị được hỗ trợ nhưng cả hai bên cũng chưa thống nhất được mức tiền.

“Gia đình chúng tôi đã kiểm kê tài sản, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng chỉ được đề nghị hỗ trợ 500 triệu đồng. Tối 28/9, tôi cùng một số hộ dân khác đã chặn đường, không cho xe chở thiết bị điện gió vào để chờ đền bù. Trong quá trình ngăn cản, nhiều người của dự án đã tấn công chúng tôi”, chị Nhung nói.

Hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, ba dự án điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2 và Đắk N’Drung 3 đã được khởi công xây dựng nhiều vị trí, hạng mục công trình khi chưa hoàn thành phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông và chưa có thẩm định thiết kế kỹ thuật của Bộ Công Thương.

Hồi tháng 5, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông cho biết cơ quan này đã phát hiện 101 lao động người Trung Quốc làm việc “chui” tại các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung.

Hoàng Minh

Xem thêm:

101 người Trung Quốc làm việc “chui” trong dự án điện gió tại Đắk Nông