Một buổi triển lãm cá nhân với các tác phẩm lớn tái hiện sự kiện Điện Biên Phủ qua các nhân vật người lính và tướng, do họa sĩ Mai Duy Minh chuẩn bị trong 10 năm, vừa bị yêu cầu tạm dừng ngay trước giờ mở cửa. Tác phẩm chính – trường họa “Điện Biên Phủ” bị đặt câu hỏi về hình ảnh người lính ở trung tâm bức vẽ, khi “lá cờ bị rách quá” và “anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu”, theo thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL).

buc tranh dien bien phu00
Bức tranh “Điện Biên Phủ” với nội dung hình ảnh bị hạn chế, không được thực hiện triển lãm. (Tranh: Mai Duy Minh)

Sáng 8/5, họa sĩ Mai Duy Minh thông báo triển lãm cá nhân tranh Điện Biên Phủ của ông bị dừng ngay trước giờ khai mạc. Ông viết trên Facebook cá nhân: “Cuộc triển lãm tranh về đề tài Điện Biên Phủ của tôi đã bị Sở VH-TT Hà Nội ra văn bản tạm dừng trước lúc khai mạc chiều hôm qua (7/5), để lập hội đồng thẩm tra lại và sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất. Tôi rất mong quý vị thông cảm và sẽ sớm có thông tin đến quý vị ngay sau khi nhận được quyết định bằng văn bản mới của Sở”.

Ngày 7/5 là ngày tròn 68 năm sự kiện Điện Biên Phủ (1954-2022). Quyết định tạm dừng triển lãm được Sở VH-TT Hà Nội đưa ra sau buổi làm việc với họa sĩ Minh, đại diện Cục Mỹ thuật – nhiếp ảnh và triển lãm và đại diện Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (nơi cho thuê địa điểm triển lãm). Trước đó, Sở VH-TT Hà Nội là đơn vị đã cấp phép cho triển lãm này (Giấy phép số 133 ngày 14/4).

Phía báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông, xác nhận có việc có văn bản của Cục Mỹ thuật-Nhiếp ảnh-Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội dừng triển lãm. “Trong văn bản đó có 2 ý thôi. Thứ nhất là rà soát lại nội dung triển lãm. Thứ hai là báo cáo lãnh đạo Bộ”, ông Đông nói, không tiết lộ nội dung cần rà soát là gì.

Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo – một thành viên của hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở VH-TT Hà Nội cho hay lý do khiến triển lãm phải tạm hoãn là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm Điện Biên Phủ “vẽ lá cờ bị rách quá và vẽ anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu”, theo báo Tuổi Trẻ.

Đây là bức tranh sơn dầu có kích thước lớn, 190 x 490cm, vẽ trên toan liền khổ về chủ đề chiến đấu và chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo họa sĩ Minh, bức trường họa do ông thực hiện trong 10 năm (từ năm 2011-2021) với hàng ngàn phác thảo.

Buổi triển lãm còn có bức tranh chính thứ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, được hoàn thành trong 4 năm, từ 2017 – 2021; 86 ký họa chì, bút bi, bút sắt và phác thảo chì, sơn dầu ở nhiều kích thước khác nhau mà họa sĩ đã thực hiện trong hành trình dài thực hiện dự án.

Những bức ảnh về Việt Nam thời Pháp thuộc

Khi lịch sử không chỉ có “đẹp”

Trước việc một buổi triển lãm cá nhân quy mô lớn bị dừng trước “giờ G”, một số nghệ sĩ, họa sĩ, nhà nghiên cứu đã lên tiếng từ góc độ chuyên môn về bức vẽ chính của họa sĩ Minh trong triển lãm.

Trên trang Facebook cá nhân, nghệ sĩ nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Việt Khánh cho hay: “Nếu nói về hình họa giải phẫu thì anh Mai Duy Minh – tác giả trường họa Điện Biên Phủ – là một trong những sinh viên giỏi hình họa nhất trong thế hệ của tôi. Điều này được công nhận bởi tất cả thầy và trò trường Đại Học Mỹ thuật giai đoạn 1990-2000”.

Nói về tác phẩm chính – “Điện Biên Phủ”, ông Khánh cho biết đây “giống như một tác phẩm nghệ thuật đương đại hơn là một tác phẩm mỹ thuật đơn thuần”, vì “đã vẽ một bức tranh Đẹp từ những chất liệu hình ảnh có thể “không” đẹp!”. “Với con mắt chuyên môn mà đánh giá, thì kỹ thuật hội họa của anh Minh trong bức tranh này không có gì chê được cả” – ông Khánh nhận định.

buc tranh dien bien phu
Một trích đoạn bị đặt câu hỏi trong bức “Điện Biên Phủ” của Mai Duy Minh. (Hình ảnh dẫn qua Ace Lê/Facebook)

Nói về hình ảnh người lính ở trung tâm của bức tranh đang gây tranh cãi, ông Khánh cho rằng đây “chính là một hình ảnh điển hình, cực kỳ điển hình của những người lính Việt Minh xuất thân từ tầng lớp nông dân, bần cố nông mà nay ta vẫn hay dùng từ “vàng vẩu” để ám chỉ”. “[…] Lá cờ thì không bàn. Trong chiến trận cờ phải rách, và không có định lượng nào quy định cờ phải rách bao nhiêu phần trăm mới đạt yêu cầu”.

“Một tác phẩm mất hơn 10 năm ấp ủ, với hàng ngàn bản phác thảo mới định hình được không phải thứ có thể đem ra làm trò đùa.” – vị nhiếp ảnh gia nhận định.

Từ TP.HCM, trao đổi với Trí Thức VN, họa sĩ Phạm Ngọc Dương nhận định họa sĩ Minh được đánh giá là một họa sĩ xuất sắc trong giới họa sĩ vẽ sơn dầu.

“Việc cơ quan chức năng cho dừng triển lãm có thể vì anh Minh đã nhìn ra góc độ chiến thắng đó là bi tráng, với hình ảnh người lính rất khổ sở. Nói về hiện thực chiến trường thì Minh đã tả thực vì chiến trường, chiến tranh nó rất ghê sợ, nó tàn bạo”, ông Dương nói.

Họa sĩ Dương cho hay tấm ảnh đen trắng ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ với hình ảnh một người lính đứng trên hầm de Castries phất cờ chỉ là hình ảnh tạo dựng, được cắt ra từ bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” do đạo diễn Liên Xô Roman Karmen quay sau ngày 7/5/1954.

Cho tới nay, bức ảnh này vẫn được đưa vào sách giáo khoa, phim ảnh truyền hình, pano, áp phích… trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, như là một bằng chứng và tư liệu lịch sử gốc về ngày 7/5/1954 tại hầm của tướng Pháp Christian de Castries ở Điện Biên Phủ. “Còn vào đúng thời điểm chiếm hầm của tướng Castries, chẳng có ai đứng trên đó phất cờ cả.” – theo ông Dương.

Bức tranh “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Minh lại phác họa một hình ảnh khác hoàn toàn. Người lính không đứng trên hầm de Castries mà đứng ở một khu chiến trường, dưới chân là một người lính khác bị thương đang cầm một bức ảnh giơ lên. Đây cũng là hai trích đoạn bị đặt câu hỏi trong bức họa này.

buc tranh dien bien phu01
Một trích đoạn bị đặt câu hỏi trong bức “Điện Biên Phủ” của Mai Duy Minh. (Hình ảnh dẫn qua Ace Lê/Facebook)

“Họa sĩ Minh đã đi phỏng vấn rất nhiều người từng tham gia chiến tranh, biết được là trước khi chết người ta hay lôi kỷ vật ra, hoặc là gọi tên mẹ, những người lính trẻ chưa có vợ thì gọi tên mẹ, những người có vợ, có người yêu thì thường lôi ảnh của vợ, của người yêu ra để xem lần cuối cùng trước khi chết. Câu chuyện này rất nhiều người lính đã nói.

Anh ấy đã tìm hiểu rất nhiều trước khi vẽ, quá trình chuẩn bị 10 năm mà, nghiên cứu rất kỹ thì mới vẽ nên. Tôi có mấy người bạn là người anh lớn, từng đi lính ở chiến trường Campuchia, từng vào sinh ra tử đã nói bức tranh ấy giống hệt cuộc đời của anh ấy, mà nó còn khốc liệt hơn”, ông Dương nói.

Về lý do triển lãm bị dừng là vì hình ảnh người lính “không đúng về giải phẫu”, ông Dương cho hay: “Đưa ra lý do hình ảnh người lính sai về mặt giải phẫu, nói thật là… Có thể người ta không muốn hình ảnh người lính ốm đói. Thực ra, ngày xưa bản thân nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ nói về cuộc sống của lính Điện Biên Phủ rất khổ sở (“Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”), thơ của Chính Hữu viết về những thời: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/Chân không giầy…”. Tức là sự thật thì là như vậy. Chứ ngày xưa lính mình từ năm 45 đi lên, sau 9 năm thì chẳng rách nát, khổ sở? Chẳng qua bây giờ họ muốn hình ảnh thật đẹp lên, còn nói ra như vậy thì làm sao mà chịu được”.

Cũng như ông Khanh, ông Dương cho hay họa sĩ Minh là một người “cực kỳ giỏi về nghề, cực kỳ giỏi về giải phẫu”, “là một trong hai họa sĩ rất giỏi về vẽ tả thực ở Việt Nam”.

Trên trang Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu, giám tuyển Ace Lê chỉ ra rằng, việc kiểm duyệt vô hình trung sẽ tạo môi trường cho tác phẩm được lan tỏa rộng hơn vào công chúng. “Lịch sử minh họa, cái gì càng cấm người ta càng tò mò. Huống hồ, mục đích của nghệ thuật là khiến người xem đặt câu hỏi. Việc dúi đáp án vào tay khán giả, là nhiệm vụ của quảng cáo, của các chiến dịch tuyên truyền.” – ông viết. 

“Nói vậy để nói rằng, các tác phẩm quan trọng, dù bị kiểm duyệt hay không, vẫn sẽ lan tỏa bằng cách này hay cách khác, vẫn sẽ đi vào lịch sử bằng cách này hay cách khác. Và đời sống của tác phẩm đó sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ của cơ thể vật lý hai chiều trên mảnh giấy hay tấm toan, trở thành một phần không quên được trong ký ức tập thể của công chúng khi họ tương tác tư tưởng với nó.”, theo ông Lê.

Theo ghi nhận vào chiều 9/5, người quan tâm đến buổi triển lãm, tới Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam trên đường Yết Kiêu (Hà Nội) bị bảo vệ ngăn cản không cho vào, không cho chụp hình.

Vĩnh Long