Đưa ra các mốc thời gian từ năm 2025-2030, giới chức UBND TP Hà Nội cho hay đang nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng thêm một sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía nam TP. 

san bay noi bai
Hệ thống đường băng, đường lăn… tại sân bay quốc tế Nội Bài đã bị Cục Hàng không Việt Nam xác định là xuống cấp, quá tải từ năm 2019. (Ảnh minh họa: BBbirdZ/Shutterstock)

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra sáng 18/5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết hiện Hà Nội đã cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. 8 đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành tại Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt.

Theo ông Tuấn, việc quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Các khu đô thị mới hiện đại dần được hình thành, góp phần giảm tải dân số khu vực nội đô.

Hà Nội sẽ tập trung phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng như xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đại: quốc lộ 1A, quốc lộ 6, vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5 …; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng,…

Ngoài ra, TP sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô, động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, giãn mật độ dân cư ra ngoài khu vực trung tâm đô thị, từ đó định hướng và phân luồng giao thông từ xa, giảm tải áp lực giao thông lên hệ thống đường giao thông hiện có, đảm bảo mối liên kết vùng.

Về cấp độ đô thị, Hà Nội dự kiến tập trung phát triển các huyện lên quận; mục tiêu là đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận, đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận.

Đáng lưu ý, ông Tuấn cho hay TP nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng thêm một sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía nam thủ đô. Việc này được cho là để đáp ứng yêu cầu giao thông cửa ngõ, phát triển vùng Thủ đô.

Ông Tuấn kiến nghị Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành lập các Quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch Vùng… theo Luật Quy hoạch 2017, làm cơ sở để thành phố tổ chức triển khai lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị – nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Đồng thời, cho phép các thành phố trực thuộc Trung ương chỉ lập một bản quy hoạch cấp tỉnh nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực.

Thông tin Hà Nội dự kiến xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 được giới chức TP Hà Nội công bố kể từ tháng 11-12/2021. Khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết ngành Giao thông vận tải, sáng 25/12, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết trên thế giới các thành phố hơn 10 triệu dân thường có 2 sân bay quốc tế. Ngoài sân bay cửa ngõ Nội Bài, Hà Nội cần có thêm một sân bay khác hỗ trợ.

TP đang nghiên cứu quy hoạch xác định vị trí sân bay trước năm 2030. Sân bay quốc tế thứ 2 của Hà Nội có quy mô tối đa dự kiến khoảng 50 triệu hành khách/năm, quỹ đất dự kiến hơn 1.000 ha, xây dựng trong giai đoạn 2030 – 2050.

Theo ông Tuấn, trước đây thành phố đề xuất vị trí sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa (cách sân bay Nội Bài khoảng 54 km), sau đó, vị trí này được xác định là không phù hợp do điều kiện vùng trời không đảm bảo hoạt động bay, địa hình nhiều đồi núi nên khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới nhằm chia sẻ lưu lượng cho sân bay Nội Bài. Các vị trí như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai ở phía nam – đông nam thành phố đang được tính đưa vào quy hoạch.

Trong trường hợp quy hoạch ngành xác định vị trí sân bay thứ 2 ở tỉnh khác, theo ông Tuấn, Hà Nội cũng không có ý kiến gì.

Minh Sơn