Giới chức tỉnh Lâm Đồng đồng ý việc chặt hạ rừng thông 36 năm tuổi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Trúc Lâm Yên Tử qua Trung tâm đón tiếp Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt).

ho tuyen lam
Khu vực hồ Tuyền Lâm. (Ảnh: baolamdong.vn)

Hôm 4/10, báo chí nhà nước dẫn lời ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) xác nhận, tỉnh vừa phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để “thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Trúc Lâm Yên Tử qua Trung tâm đón tiếp Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm” nhằm “phát triển du lịch”.

Khu rừng ông Dân nói là rừng thông ba lá được trồng vào năm 1985, với trữ lượng 658 cây, khoảng 309,414 m3 gỗ tròn.

Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 22.464,9 m2, tại Lô 1 và lô 2 khoảnh 1, lô 1 và lô 2 khoảnh 2, Tiểu khu 266B, do Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm quản lý.

Trước lo ngại của dư luận về việc đổi đất rừng làm du lịch, ông Phạm Văn Dân giải thích, khu vực này là rừng trồng, không phải rừng tự nhiên.

RFA dẫn thông tin từ anh Nhơn, một người dân Đà Lạt nêu ý kiến về việc này trên Facebook cá nhân:

“Tôi rất thường ra hồ Tuyền Lâm tập thể dục buổi sáng, dù đi từ hướng nào như đường Triệu Việt Vương hay đèo Prenn thì đường xá rất rộng rãi để vào khu du lịch này. Vậy tại sao phải làm thêm một con đường nữa khi mà phải phá bỏ khu rừng thông ba lá 36 năm tuổi được trồng từ năm 1985?

Không khó để phán đoán đằng sau việc “mở đường” đó là những lợi ích bất động sản tính từ trung tâm ra bờ hồ! Vì một con đường mới là không cần thiết.”

Lâm Đồng đã mất khoảng 90.000ha rừng, chủ yếu là rừng thông

Trước đó hồi năm 2020, báo Người Lao Động trong bài viết “Đà Lạt rồi sẽ còn gì…!” cho hay “những đồi thông rì rào và những ngôi biệt thự cổ là những thứ tạo nên hồn cốt của TP. Đà Lạt”

Thế nhưng, “thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm giờ là nỗi nhức nhối của Lâm Đồng về tình trạng phá rừng, xây dựng trái phép với hàng chục công trình”.

“Mà đâu chỉ có rừng thông quanh hồ Tuyền Lâm, rất nhiều cánh rừng thông ở Đà Lạt và nhiều huyện ở Lâm Đồng cũng lâm vào tình trạng bị tàn phá để lấy đất sản xuất, xây dựng nhà hàng, khu du lịch, thậm chí băm nát cả rừng thông chỉ để… khai thác đá như ở đồi Du Sinh”.

“Và rất lạ là có những công trình phá thông, xây dựng “chui” đến hơn 50 căn biệt thự như ở chân núi Voi cạnh thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm thuộc Tiểu khu 268 nhưng chính quyền địa phương lại chẳng biết ai là chủ đầu tư”, tờ báo viết.

Trong khi đó, “một nhà dân xây dựng tường rào không xin phép hôm trước thì hôm sau đã có cán bộ địa phương “hỏi thăm”, còn ở đây… há chẳng phải “con voi chui lọt lỗ kim”? Nếu không có sự tiếp tay, ngó lơ của chính quyền, liệu những “lâm tặc hạng sang” có làm được như vậy?”, cũng theo tờ báo.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhiều cánh rừng thông ở tỉnh Lâm Đồng liên tục bị bức tử bằng thuốc, với mục đích lấn chiếm đất rừng trái phép để sản xuất, mua bán thu lợi bất chính, khai thác lâm sản…

hạ độc thông, Lâm Đông
Cây thông chết do bị khoan lỗ, đổ chất độc vào thân cây. (Ảnh: baolamdong.vn)

Thủ đoạn mà những người phá rừng sử dụng là dùng rựa, rìu đẽo vỏ, khoan lỗ ở gốc rồi đổ thuốc diệt cỏ vào để cây thông chết dần, sau đó đốn hạ thông. Từ tháng 9/2017 đến năm 2019, gần chục vụ phá hoại rừng thông nghiêm trọng xảy ra.

hạ độc thông, Lâm Đồng
Rừng thông Lâm Đồng bị hạ độc khiến lá vàng, khô héo. (Ảnh: baolamdong.vn)

Tuy nhiên, mức phạt cho hành vi lấn chiếm đất rừng chỉ là vài triệu đồng, trong khi với 1ha đất rừng được bán trót lọt, người bán có thể thu lợi cao gấp hàng chục đến cả trăm lần. Sức hấp dẫn này khiến nhiều người không ngần ngại phá rừng và diện tích rừng thông tại tỉnh Lâm Đồng đang ngày càng suy giảm, theo báo VTV.

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết tính từ năm 2013 đến năm 2019, Lâm Đồng đã mất khoảng 90.000ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng thông.

Tốc độ mất rừng diễn ra nhanh nhất trong các năm từ 2013 đến năm 2016. Năm 2010, Lâm Đồng có khoảng 602.000 ha rừng, độ che phủ 61,2%, nhưng đến năm 2019 còn 539.000ha, độ che phủ còn khoảng 54%.

Hồi tháng 7/2020, báo chí nhà nước cho biết chỉ một trận mưa lớn kéo dài hơn 1h đổ xuống TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã làm nhiều tuyến đường chìm trong biển nước.

Các khu dân cư dọc suối Phan Đình Phùng và dọc suối Cam Ly; khu đô thị cao cấp Golf Valley (phường 2); các khu dân cư dọc đường Cách Mạng Tháng Tám, Trạng Trình, Trương Văn Hoàn, Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân… bị nước nhấn chìm, khiến nhiều nhà dân, khách sạn bị ngập sâu; nhiều ô tô, xe máy bị lũ nhấn chìm.

Nhiều người sống lâu năm ở Đà Lạt cho rằng đây là những cảnh báo về quy hoạch Đà Lạt không hợp lý. Nhà kính phát triển ồ ạt, phá rừng, bê tông hóa đã làm mất đi điều kiện tự nhiên vốn có của nó.

lut lut da lat
Người dân vất vả chạy lũ. (Ảnh: baolamdong.vn)

Đến đầu tháng 7/2021, Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được ở một số trạm đạt 100mm. Nước lũ đổ về rất nhanh, chỉ chốc lát đã dâng lên tới ngực. Có gia đình phải chạy ra khỏi nhà lúc nửa đêm mà không kịp di dời tài sản.

Ông Thái Bình Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cho biết, nước lũ đã gây ngập úng hàng chục ha hoa màu tại các vùng trũng, thấp, nhiều nhà dân bị ngập sâu tới hơn 1m, thiệt hại trong trận lũ này là rất lớn.

Hoàng Minh

Xem thêm:

Hơn 3.000 cây thông rừng gần 20 năm tuổi bị đầu độc ở Lâm Đồng