Đơn vị tư vấn giám sát vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC tại Việt Nam, nhà ga xây dựng quá sát cây xăng, lối thoát hiểm nằm giữa dải phân cách… là một loạt những vấn đề chứa nguy cơ mất an toàn cháy nổ khi vận hành đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT Việt Nam thừa nhận.  

duong sat cat linh ha dong co the se bi ban giao cham
Sau hơn 10 năm khởi công, dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông 8 lần lùi tiến độ, đội vốn gần 10 nghìn tỷ. (Ảnh: Shutterstock)

Báo cáo của Bộ GTVT gửi Bộ Công an, Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ chỉ ra nhiều vấn đề về mất an toàn cháy nổ tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và kiến nghị tiếp tục hỗ trợ nghiệm thu PCCC dự án này trước khi bàn giao, đưa vào vận hành trong quý 1/2021.

Theo Bộ GTVT, đơn vị tư vấn giám sát đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Đây là nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài có kinh nghiệm trong giám sát các dự án đường sắt đô thị tại Trung Quốc, trong đó có giám sát thi công, lắp đặt hệ thống thiết bị chuyên ngành PCCC, theo báo cáo.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết dù ký hợp đồng tư vấn giám sát với chủ đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh vẫn chưa có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC theo quy định.

Ban quản lý dự án đường sắt không hướng dẫn nhà thầu tư vấn giám sát dự án hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau khi trúng thầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh đã không lập văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam để thực hiện dự án mà chỉ huy động chuyên gia theo yêu cầu thi công dự án.

Do vậy, đơn vị tư vấn giám sát này không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC tại Việt Nam, Bộ GTVT nhận định.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đề nghị Cục Cảnh sát PCCC và CNCH xem xét, chấp thuận chứng chỉ tư vấn giám sát PCCC mà Công ty này được cấp tại Trung Quốc.

Đáng chú ý, báo cáo của Bộ GTVT chỉ ra nhiều vấn đề về an toàn cháy nổ của dự án, như 11 nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được xây dựng quá gần nhà dân, các nhà ga Văn Khê, La Khê xây dựng quá gần các cây xăng, thang thoát hiểm các nhà ga quá chật hẹp, cửa thang thoát hiểm nằm trên dải phân cách các trục đường bộ…

Bộ GTVT cho biết có những nhà ga nằm cách nhà dân 2 bên đường chưa đến 6m, nhưng đây là công trình phụ trợ, sử dụng vật liệu không dẫn cháy, nên cần rà lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC.

Trường hợp rà soát lại hiện trường mà các nhà ga không bảo đảm an toàn PCCC, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với Bộ Xây dựng, Cục Cảnh sát PCCC … bổ sung phương án tường ngăn cháy để bảo đảm an toàn vận hành. Với các nhà ga xây dựng quá gần các cây xăng, Bộ GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội thông báo tạm dừng hoạt động, di dời các cây xăng trước khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Khởi công từ tháng 10/2011, dự kiến bắt đầu khai thác từ năm 2015 nhưng sau hơn 10 năm thi công, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã 8 lần hoãn kế hoạch vận hành thương mại, hiện vẫn đang hoàn thiện.

Dự án được đầu từ phần lớn từ nguồn vốn vay Trung Quốc – tổng vốn khi phê duyệt dự án là 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD theo tỷ giá lúc bấy giờ), trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD); vốn vay ưu đãi bên mua là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 2.100 tỷ đồng.

Sau khi đi vào thi công, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên tới 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), trong đó vốn vay của Chính phủ Trung Quốc tăng lên gần 670 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước (2019), dự án chậm tiến độ kéo dài lỗi phần lớn do Tổng thầu EPC Trung Quốc – Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, còn phía Bộ GTVT đã để xảy ra nhiều sai sót trong thẩm định, đấu thầu, phê duyệt điều chỉnh.

Theo hợp đồng EPC, Tổng thầu Trung Quốc sẽ thực hiện bảo hành 2 năm sau khi dự án được bàn giao và đưa vào khai thác thương mại.

Mới đây, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) thông báo Công ty TNHH Vận hành Tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) đã trúng thầu làm tư vấn, hỗ trợ quản lý vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, thời gian thực hiện hợp đồng trong 12 tháng. Bộ GTVT phủ nhận việc tham gia vào tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu này.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Kiểm toán NN: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chi sai gần 3.000 tỷ đồng