Bộ Y tế Việt Nam tối 30/7 công bố thêm 3.657 ca COVID-19 (22 ca nhập cảnh và 3.635 ca ở 30 tỉnh thành, trong đó có 715 ca cộng đồng), nâng tổng số ca trong ngày lên 8.622 ca.

COVID 19 TPHCM 200 1
Khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại thành phố Thủ Đức khu vực II. (Ảnh: HCDC)

3.635 ca ghi nhận trong nước tại: TP.HCM (1.542), Bình Dương (636), Long An (448), Đồng Nai (157), Cần Thơ (151), Khánh Hòa (139), Bà Rịa – Vũng Tàu (133), Hà Nội (81), Đồng Tháp (67), Đà Nẵng (65), Trà Vinh (36), Hậu Giang (28), Phú Yên (23), Bến Tre (18), Bình Thuận (17), An Giang (16), Quảng Nam (13), Bình Phước (12), Ninh Thuận (11), Vĩnh Phúc (9), Đắk Lắk (8), Gia Lai (6), Quảng Ngãi (6), Hà Tĩnh (5), Đắk Nông (2), Hòa Bình (2), Lâm Đồng (1), Thanh Hóa (1), Hải Dương (1), Bắc Ninh (1).

Trong ngày 30/7, Việt Nam ghi nhận 8.622 ca (tăng 1.029 so với hôm 29/7) tại 38 tỉnh thành, chủ yếu ở TP.HCM (4.282), Bình Dương (1.920), Hà Nội (144)…

Ngày 30/7 cũng là ngày ghi nhận số ca nhiễm cao thứ hai kể từ đầu dịch. Ngày có số ca nhiễm cao nhất là 24/7 với 9.225 ca.

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 86.063, Bình Dương 12.604, Long An 4.899, Đồng Nai 3.670, Đồng Tháp 2.955, Bắc Ninh 1.720, Hà Nội 1.284…

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 133.206, ghi nhận ở 62 tỉnh thành.

3.704 bệnh nhân được công bố bình phục trong ngày 30/7 (nâng tổng số ca lên 35.484 ca). Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 411. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21.

4 tỉnh gồm Bắc Kạn, Điện Biên, Quảng Ninh, Yên Bái, đã qua 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 142.274 xét nghiệm cho 371.118 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 5.853.565 mẫu cho 16.900.185 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.529.898, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 người, tiêm mũi 2 là 546.402 người.

Bộ Y tế cũng thông báo có thêm 139 ca tử vong do COVID-19 (từ số 1.023 – 1.161) từ ngày 16-30/7 tại 9 tỉnh, thành phố. Cụ thể:

  • Tại TP.HCM từ ngày 18-30/7 có 122 ca;
  • Tỉnh Long An từ ngày 22-29/7 có 6 ca tử vong;
  • Tỉnh Khánh Hòa từ ngày 28-29/7 có 3 ca tử vong;
  • Tỉnh Bến Tre từ ngày 28-29/7 có 2 ca tử vong;
  • Tỉnh Bình Dương từ ngày 16-17/7 có 2 ca tử vong;
  • Tỉnh Đồng Nai ngày 29/7 có một ca tử vong;
  • Tỉnh Vĩnh Long ngày 29/7 có một ca tử vong;
  • Tỉnh Cần Thơ ngày 20/7 có một ca tử vong;
  • Tỉnh Vĩnh Phúc ngày 30/7 có một ca tử vong.

Trước đó vào sáng nay, Bộ Y tế công bố thêm 159 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, hôm nay, Bộ Y tế công bố tổng cộng 298 ca tử vong.

Tại TP.HCM: Trong buổi họp báo chiều 30/7, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết trong đợt thứ 5 tiêm vắc-xin COVID-19, từ ngày 22/7 đến nay (sau 8 ngày), thành phố đã tiêm được gần 500.000 liều.

Sau đợt 5, thành phố sẽ tiêm tiếp đợt 6 với mục tiêu trong tháng 8, khoảng 2/3 người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin. Theo đó, TP.HCM cần 5 triệu liều vắc-xin.

Sắp tới, việc tiêm vắc-xin cũng không giới hạn số lượng trong ngày như vừa qua. Trước đây thành phố tiêm 120 liều/ngày/mỗi điểm tiêm, sau đó tăng đến 200 liều/ngày/mỗi điểm tiêm. Trong điều kiện cần thiết, thành phố tổ chức cả buổi thứ ba sau 18h.

Trước đó, sáng 30/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến nay thành phố đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau.

Trong 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16 (từ ngày 9/7 đến nay), bình quân mỗi ngày thành phố phát hiện hơn 3.300 ca mắc, trong đó phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.

Hiện số ca hàng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Do đó, thành phố có thể sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8.

Đợt tiêm vắc-xin thứ 5 được TP.HCM triển khai đồng loạt từ ngày 22/7 với 624 điểm tiêm tại 312 phường, xã. Dự kiến trong 2 tuần thành phố tiêm xong 930.000 liều, gồm vắc-xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer và một lượng nhỏ Sinopharm. Bốn đợt trước, thành phố đã tiêm cho 991.322 người (943.215 người mũi một và 48.107 mũi hai).

Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương hôm 30/7 đã ký ban hành văn bản về việc hướng dẫn thực hiện “phiếu mua hàng thiết yếu” gửi đến UBND các quận huyện, siêu thị, cửa hàng và chợ truyền thống.

Sở Công thương cho biết dù Sở đã hướng dẫn thực hiện phân chia tần suất đi chợ của người dân bằng “thẻ ra vào chợ”. Tuy nhiên, tại các quận, huyện, một số nơi còn đồng nhất, tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề.

Theo văn bản mới ban hành, Sở Công thương đã thay đổi hướng dẫn thực hiện theo hình thức “phiếu mua hàng thiết yếu”. Sở này đề nghị các đơn vị trên tổ chức phân chia tần suất đến các điểm bán thông qua việc phát “Phiếu mua hàng thiết yếu” cách 2-3 ngày/lần. Riêng khu phong tỏa 2 lần/tuần.

Ngoài ra, trên “phiếu mua hàng thiết yếu” cần thực hiện tích hợp mã QR để khai báo y tế đối với khách hàng và những người ra vào điểm bán.

Phiếu mua hàng thiết yếu cần thể hiện đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Mỗi gia đình chỉ cử một người đại diện mua hàng hóa thiết yếu tại các điểm bán theo khung thời gian địa điểm cung ứng phù hợp.

Lê Hoàn

Xem thêm:

TP.HCM có 1.057 ca COVID-19 tử vong; Hà Nội rất khó dự đoán dịch, cấp tốc xây BV dã chiến