Dự án hệ thống cấp nước sạch Hải Chánh (Quảng Trị) hơn 30 tỷ đồng khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2015, từng hứa hẹn cấp nước sạch cho 8.000 dân của 6 thôn xã Hải Chánh. Nhưng đến nay, công trình vẫn bỏ hoang, người dân “mòn mỏi chờ nước sạch trong vô vọng”.

nha may nuoc quang tri bo hoang
Dự án hệ thống cấp nước sạch Hải Chánh (Quảng Trị) hơn 30 tỷ đồng khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2015, từng hứa hẹn cấp nước sạch cho 8.000 dân của 6 thôn xã Hải Chánh. (Ảnh: vtc.vn)

Dự án hệ thống cấp nước Hải Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 447 ngày 30/3/2010. Dự án do Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị làm chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 30,8 tỷ đồng, gồm vốn viện trợ ODA của Italia hơn 8,2 tỷ đồng (cung cấp vật tư hàng hóa), vốn ngân sách đối ứng trong nước hơn 19 tỷ đồng, vốn góp của chủ đầu tư và người dân hơn 3,4 tỷ đồng.

Dự án chính thức được khởi công tháng 6/2014 và hứa hẹn hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 7/2015, cấp nước sạch cho 1.800 gia đình với 8.000 dân của 6 thôn xã Hải Chánh.

Thế nhưng, xây dựng được một thời gian và gần như hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cơ bản gồm nhà điều hành, trạm bơm, công trình thu, bể xử lý bùn, bờ tường rào kiên cố bao quanh… thì đến tháng 3/2015, công trình tạm dừng, rồi rơi vào bỏ hoang từ đó cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu được tái khởi động.

Sau hơn nửa thập kỷ bỏ hoang, các hạng mục ngày càng xuống cấp, hư hỏng; khuôn viên dự án cỏ mọc và cây dại mọc um tùm. Tận dụng nhà điều hành được xây dựng kiên cố, một số gia đình cải tạo thành nhà chứa rơm, chăn thả trâu bò.

Báo Môi Trường và Cuộc Sống dẫn lời ông Hồ Hòa, người dân xã Hải Chánh, sống ngay cạnh Dự án nhà máy nước, bức xúc nói: “Khi dự án nhà máy nước sạch Hải Chánh khởi công, dân chúng tôi vô cùng vui mừng vì sắp có nước sạch để dùng. Nhưng triển khai xây dựng một thời gian thì dừng lại và bỏ hoang đến nay khiến người dân vô cùng bức xúc. Chúng tôi khổ quá, nhà máy nước sạch nằm bên cạnh mà dân chúng tôi phải dùng nước nhiễm phèn, giếng nhà tôi đang dùng chỉ sử dụng để tắm, giặt, còn ăn uống phải dùng nước bình đóng chai. Dân chúng tôi mòn mỏi chờ nước sạch trong vô vọng”.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thu ở xã Hải Chánh “từng vui mừng vì nghĩ sắp hết cảnh thiếu nước sinh hoạt”. Bà cho hay khu vực này nhiễm phèn nặng, gia đình đầu tư 20 triệu đồng đào 2 giếng nước sâu nhưng không hiệu quả. Mỗi tuần bà phải mua 5 bình nước lọc loại 20 lít, 14.000 đồng mỗi bình để ăn uống; còn tắm giặt thì sử dụng nước sông Ô Lâu, theo báo Vnexpress.

Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết phía xã, huyện đã kiến nghị xem xét giải quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong nguồn kinh phí đầu tư hoàn thiện công trình trên. Ngày 29/5/2021, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản số 2349/UBND – CN gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, “do vướng mắc trong thỏa thuận giữa Việt Nam và Italia nên hiện nay chưa có thông tin phản hồi”.

Trung tuần tháng 1/2022, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị yêu cầu Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị rà soát tổng mức đầu tư dự án và tính toán khối lượng còn lại phải thực hiện để hoàn thiện công trình.

Đồng thời, đề xuất các phương án đầu tư (phương án nguồn vốn như ban đầu, phương án ngân sách tỉnh đầu tư, phương án huy động nguồn vốn của nhà đầu tư và đóng góp của người dân…) hoàn thành trước ngày 25/1/2022, gửi Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất UBND phương án xử lý.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Sở Tài chính liên hệ với các cơ quan liên quan để tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính “tiếp tục đàm phán gia hạn hiệu lực thực hiện Hiệp định viện trợ nhằm tranh thủ nguồn vốn ODA trong bối cảnh ngân sách tỉnh đang khó khăn”; đồng thời nghiên cứu các phương án đầu tư do Công ty nước sạch đề xuất để tham mưu UBND tỉnh xem xét lựa chọn phương án phù hợp trước ngày 31/1/2022.

Cũng liên quan công trình nước sạch này, bên cạnh đề nghị tiếp tục hoàn thành dự án nước sạch, cử tri xã Hải Chánh cũng đề nghị UBND tỉnh làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, để xã đấu nối, sử dụng nước sạch sinh hoạt từ nhà máy nước Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Điểm đấu nối cách cầu Phước Tích, huyện Phong Điền khoảng 100m.

Hoàng Minh

Xem thêm: