Cựu Chủ tịch HĐQT và cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) bị khởi tố để điều tra về sai phạm trong việc sử dụng khu đất gần 9.000 m2, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

lam chi quang
Bị can Lâm Chí Quang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ngày 18/2, Bộ Công an cho biết cơ quan cảnh sát điều tra (C03) đang thụ lý điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm tại VEAM và các đơn vị thành viên.

C03 xác định bị can Lâm Chí Quang (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM), Nguyễn Thanh Giang (cựu Tổng Giám đốc VEAM) và Đào Huấn Ngữ (cựu Giám đốc Công ty Đúc số 1) đã vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất diện tích 8.930,9 m2 tại số 220 đường Bình Thới (phường 14, quận 11, TP.HCM), gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Ngày 14/2, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 3 bị can cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, tháng 10/2021, cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, đồng thời đề nghị VKSND tối cao truy tố các bị can gồm: Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc VEAM); Lâm Chí Quang (cựu Tổng Giám đốc VEAM) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Cùng vụ án này, C03 cũng đề nghị truy tố hơn 10 người khác.

Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2011 – 2014, ông Trần Ngọc Hà giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, từ 2015 – 2019 giữ chức vụ Tổng Giám đốc VEAM, là người giữ vai trò chính, quyết định các công việc điều hành của VEAM.

Tuy nhiên, ông Hà đã thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật gây thất thoát tài sản nhà nước.

Từ năm 2007 đến 2013, tổng Giám đốc VEAM qua các thời kỳ đã có 7 lần bảo lãnh cho Công ty cổ phần thương mại vận tải VEAM (Vetranco) vay tiền tại các ngân hàng, ký hợp đồng thương mại và cho Vetranco vay tiền theo hạn mức trái quy định để ký các hợp đồng kinh doanh mua bán hàng hóa.

Theo kết luận, tổng giá trị bảo lãnh được tính tại các văn bản là 193 tỷ đồng. Việc bảo lãnh cho công ty con vay ngân hàng trái quy định của VEAM đã gây thiệt hại hơn 75 tỷ đồng.

Lãnh đạo của VEAM còn bị cáo buộc phê duyệt dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung và ký một số hợp đồng khác có nhiều sai phạm, gây thất thoát hơn 56 tỷ đồng; quyết định chủ trương đầu tư số tiền 400.000 USD để phát triển sản phẩm mới không đúng quy định pháp luật gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng.

Phạm Toàn

Xem thêm: