Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết các chuyên gia đã có đề án cảnh báo về nguy cơ sạt lở đất đá nghiêm trọng tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 và đã chuyển giao cho giới chức Thừa Thiên Huế từ tháng 6/2020. “Tuy nhiên, họ đã sử dụng như thế nào thì chúng tôi không rõ”, ông Hòa nói.

sat lo thuy dien rao trang 3
Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, nằm trên sông Rào Trăng ở xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) được giới chức tỉnh này cấp phép giao cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn thực hiện vào tháng 11/2008.

Đây là nhà máy thủy điện thứ 13 tại Thừa Thiên Huế được cấp phép, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (rộng trên 41.500 ha với 43 tiểu khu).

Khởi công từ năm 2016, dự án có có công suất lắp máy 13MW, khi hoàn thành sản xuất lượng điện lượng trung bình hàng năm 44,343 triệu kWh, tổng vốn đầu tư hơn 290 tỷ đồng.

Công trình sử dụng diện tích đất là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ. Đến nay, nhà máy đã hoàn tất 90% hạng mục xây dựng.

Khu vực nhà máy cũng là nơi vừa xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng, khiến 3 người chết, 14 người mất tích.

“So với hiện trạng lở núi đồi thì phía thủy điện Rào Trăng 3 còn kinh khủng hơn nhiều. Cả nửa quả núi lớn ước lượng cao hơn 120 mét, bề ngang hơn 200 mét đổ sập xuống, vừa đẩy vừa vùi lấp khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3. Chúng tôi đã dùng flycam nhưng không phát hiện ai”, Phó Chủ tịch Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định nói về tình hình sạt lở đất tại thủy điện này vào hôm 15/10, theo tờ Lao động.

ban do vụ sat lo
Khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. (Nguồn: vnexpress.net)

Đáng chú ý, tờ Giao thông tiết lộ trước khi khu vực thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sạt lở, các chuyên gia đã có nghiên cứu, cảnh báo.

Tờ báo dẫn lời ông Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản cho biết, năm 2019, Viện đã tiến hành điều tra với tỷ lệ 1:50.000 và đã có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3.

Đề án đã chỉ rõ yếu tố nguy hiểm về địa hình như: Hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương á vĩ tuyến.

“Khu vực này có đứt gãy Đrakrông – A Lưới quy mô lớn cắt qua, đồng thời gần nơi giao nhau giữa đứt gãy Đrakrông – A Lưới với đứt gãy địa phương theo phương Đông bắc – Tây Nam… Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 – Rào Trăng 3 đã được Đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000.

Tháng 6/2020, chúng tôi đã chuyển giao Đề án này cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, họ đã sử dụng như thế nào thì chúng tôi không rõ”, ông Hòa nói.

Ngoài thủy điện Rào Trăng 3, cách đó không xa, còn 3 thủy điện khác là Rào Trăng 4, Alin B1, Alin B2.

rao trang 3 111
Thủy điện xây cách nhau hơn 10km. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Tờ Người lao động trong bài viết hồi năm 2017 dẫn lời ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền cho biết, cả 4 nhà máy thủy điện trên đều nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái.

“Khoảng 200 ha rừng phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thủy điện. Ngoài ra, một số diện tích khác cũng phải chuyển đổi để thi công tỉnh lộ 71 và đường dây điện nối vào hệ thống điện lưới quốc gia. Tất cả đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch, thẩm định và có quyết định chuyển đổi mục đích từ năm 2011”, theo ông Trụ.

Theo một thống kê được báo chí nhà nước dẫn lại cho thấy, có hơn 50.000 ha rừng bị tàn phá để xây 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất 59 hecta rừng.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ năm 2010 đến 2017, Việt Nam đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng.

“Nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất có liên quan tới độ dốc lớn về địa hình của khu vực miền núi đi liền với diễn biến mưa lớn phức tạp và sự suy giảm độ che phủ rừng – thảm thực vật. Đặc biệt là các tác động của con người, trong đó trọng tâm là chặt phá rừng và xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện…”, bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói.

Một số hình ảnh về vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3:

rao trang 3

rao trang 3 1

rao trang 3 2

rao trang 3 3

rao trang 3 4
(Ảnh chụp màn hình từ huetv)
thuy dien rao trang 3
(Ảnh: thuathienhue.gov.vn)

Hoàng Minh (t/h)