Dự thảo mới nhất sửa đổi, bổ sung “Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước…” sẽ chỉ công bố lý lịch khoa học của Ủy viên Hội đồng, chứ không công bố tất cả thành viên của Hội đồng.

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước
Trong hai ngày 10 và 11/11, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã tổ chức kỳ họp lần thứ III. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Trước đó, ngày 28/3/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 04 về “Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, các hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở”.

Trong Thông tư 04, tại Điểm e, Khoản 3, Điều 7 quy định “Danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước”.

Đến ngày 10/1/2020, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo lần 2 để lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Thông tư 04.

Tại Dự thảo lần 2, Bộ GD&ĐT muốn:

  • Bãi bỏ Điểm e, Khoản 3, Điều 7 – tức là không công bố công khai danh sách thành viên và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên.
  • Thay thế cụm từ “tóm tắt lý lịch khoa học” bằng cụm từ “lý lịch khoa học”.

Về việc này, nhiều Giáo sư, Phó giáo sư cho rằng việc bãi bỏ Điểm e, Khoản 3, Điều 7 là một bước thụt lùi, bãi bỏ tính minh bạch và công khai mà Chính phủ đang theo đuổi và thực thi.

Nhiều người đặt câu hỏi nếu không công khai bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước thì làm sao công luận có thể giám sát các thành viên của Hội đồng này được bổ nhiệm có xứng đáng, có khuất tất, có vi phạm các quy định, quy chế hay không.

Sau hơn 1 tháng tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, đặc biệt là của cộng đồng khoa học, lần mới nhất, Ban soạn thảo thông tư dự kiến sẽ sửa đổi Điểm e, Khoản 3, Điều 7 như sau:

Danh sách Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước kèm theo lý lịch khoa học của các Ủy viên được công bố công khai, cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước”.

Hiện tại, thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước gồm 32 người, trong đó :

  • 4 người là lãnh đạo Hội đồng, gồm: 1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch, đều do Thủ tướng bổ nhiệm.
  • 28 người là Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, là do bầu.

Như vậy, nếu theo quy định mới, chỉ có 28 ủy viên được công khai danh sách và lý lịch khoa học; còn 4 người (gồm 1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch) sẽ không thuộc đối tượng công khai.

Được biết, dự thảo mới nhất đã được gửi Vụ Pháp chế thẩm định, trước khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chính thức.

Văn Duy